Vụ bê bối nghe trộm tại Hy Lạp

Vụ bê bối nghe trộm tại Hy Lạp
Chính quyền Hy Lạp chính thức thừa nhận: điện thoại di động của các quan chức cao nhất tại nước này đã bị “nghe trộm” trong suốt 8 tháng, vào thời điểm trước và sau Thế vận hội Athens 2004.

Cụ thể là một phần mềm trái phép đã được cài đặt vào hệ thống máy móc của nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ hai tại Hy Lạp, Greece Vodafone (một chi nhánh của Tập đoàn Vodafone của Anh) nhằm ghi lại các cuộc điện đàm của khoảng 100 máy di động khác nhau của chính phủ nước này.

Cho dù các đại diện chính quyền chưa vội vàng nêu ra "thủ phạm”, nhưng dựa trên các kết quả điều tra của báo chí Hy Lạp, dường như câu hỏi đã được làm rõ. Tất cả những tờ báo hàng đầu của nước này đều khẳng định: Đây là âm mưu hoạt động gián điệp của Mỹ.

Có 46 “nạn nhân” của vụ nghe lén trái phép này (còn gọi là “Greek Watergate”), từ vợ chồng Thủ tướng Costas Caramanlis, Bộ trưởng Ngoại giao Petros Molyviatis và Bộ trưởng Quốc phòng Spilios Spiliotopoulos, các nghị sĩ, thương gia, quan chức hành pháp cao cấp và cả những người nước ngoài (trong đó có cả những kiều dân từ Pakistan và Iraq).

Chiến dịch nghe trộm này được bắt đầu từ tháng 6/2004 và chấm dứt vào tháng 3/2005 sau khi bị phát hiện.

Vụ bê bối theo dõi các chính trị gia lại được Chính phủ Hy Lạp nhanh chóng chấm dứt điều tra với lý do “không đủ khả năng về mặt kỹ thuật”. Thái độ lập lờ này của Chính phủ Hy Lạp đã gây nên sự phản ứng quyết liệt của các đảng phái đối lập.

Họ lên án chính phủ không đủ khả năng bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi của công dân, đồng thời tổ chức điều tra kỹ càng hơn nữa về vụ này.

Sự vội vã này cũng gây nên sự nghi ngờ từ các phóng viên, khiến họ đã quyết định tổ chức điều tra riêng. Cũng theo các phóng viên, nếu vụ nghe trộm điện thoại được điều tra thêm một thời gian nữa với sự tham gia của các cơ quan mật vụ, những tên “gián điệp qua điện thoại” chắc chắn sẽ bị bắt quả tang. Nhưng kịch bản này đã không xảy ra, khiến các thủ phạm đã biến mất tăm.

Dù sao, cũng có một số dấu vết được làm sáng tỏ. Ví dụ như “hang ổ gián điệp” của vụ nghe trộm nằm tại một căn hộ ở trung tâm Athens, gần ngay vị trí các đại sứ quán Mỹ và Anh - các đồng minh của Hy Lạp trong NATO.

Một số quan chức cao cấp của Chính phủ Hy Lạp còn khẳng định, có tới 4 chiếc ăngten gần Đại sứ quán Mỹ đã được sử dụng để truyền đi các cuộc đàm thoại đã được ghi âm này.

Mọi sự chú ý cũng tập trung vào chi nhánh của Vodafone. Các đại diện Vodafone quả quyết là họ không hề dính dáng tới âm mưu nghe trộm này, cũng như không che giấu điều gì. Công ty này cũng phủ nhận mối quan hệ giữa vụ bê bối nghe trộm với vụ tự sát của một nhân viên Vodafone.

Hồi tháng 3/2005, nhân viên 39 tuổi Kostas Tsalikidis (người đứng đầu bộ phận thiết kế hệ thống mạng của Vodafone) đã được phát hiện khi anh ta treo cổ tự sát một cách đầy bí ẩn.

Vụ việc này xảy ra chỉ hai ngày sau khi chương trình gián điệp được phát hiện và vô hiệu hóa bởi Giám đốc điều hành Greece Vodafone là George Koronias, trước khi ông này quyết định báo lên Văn phòng Thủ tướng

Theo ANTG

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.