Vụ bê bối sữa độc tiếp tục lan rộng

Vụ bê bối sữa độc tiếp tục lan rộng
TP - Theo báo Giải phóng của Thượng Hải ngày 1/10, Hãng sản xuất kẹo Chocolate Cadbury danh tiếng của Anh bày tỏ nghi ngờ về “một số thành phần” trong sản phẩm của họ được sản xuất bởi nhà máy ở Bắc Kinh, nên yêu cầu chủ động thu hồi các sản phẩm.
Vụ bê bối sữa độc tiếp tục lan rộng ảnh 1 Vụ bê bối sữa độc tiếp tục lan rộng ảnh 2
Chocolate của hãng Cadbury và sữa đậu nành cũng có melamine

Từ trưa ngày 1/10, các sản phẩm Chocolate của hãng này đã được dỡ khỏi các quầy hàng trong các siêu thị ở Bắc Kinh, Thượng Hải.

Tin cho biết, Tổng bộ Cadbury chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore cho biết, trong khi tự kiểm định sản phẩm của mình, hãng đã phát hiện thấy những thành phần đáng ngờ trong những sản phẩm được sản xuất bởi nhà máy ở Bắc Kinh.

Trong bản tuyên bố, Cadbury cho biết, họ chủ động tự thu hồi các sản phẩm bị nghi ngờ có chứa melamine, bao gồm 11 loại chocolate. Những sản phẩm đáng ngờ này chủ yếu được tiêu thụ tại Hồng Kông, Đài Loan và Australia.

Tối 30/9, Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kông đã kêu gọi người tiêu dùng Hồng Kông ngừng sử dụng các sản phẩm chocolate của hãng Cadbury và thông báo cho các hãng thương mại đình chỉ bán chúng.

Sau khi Cadbury thông báo thu hồi 11 loại chocolate, các siêu thị ở Bắc Kinh và Thượng Hải từ hôm 30/9 đã khẩn cấp dỡ bỏ tất cả các sản phẩm của hãng này khỏi các quầy hàng bất kể lô loại.

Tờ Minh Báo của Hồng Kông ngày 30/9 đã phẫn nộ lên án “Cadbury đã để mặc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình mãi 2 tuần sau khi nổ ra vụ bê bối sữa độc mới thừa nhận thực tế là tìm thấy melamine trong sản phẩm của mình”.

Hãng sản xuất hàng tiêu dùng siêu quốc gia Unilever lừng danh, nơi sản xuất loại trà sữa Lipton được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới, ngày 30/9 thông báo đã tìm thấy chất độc hại melamine có mặt trong một số sản phẩm loại này.

Báo Giải phóng dẫn nguồn tin của hãng thông tấn DPA cho biết, hãng Unilever thông báo: “Qua điều tra nội bộ, hai loại trà sữa Lipton nhãn hiệu Original’ và ‘Gold” sản xuất tại Trung Quốc Đại lục và được tiêu thụ ở Hồng Kông, Makao có chứa melamine, vì vậy hãng quyết định thu hồi các sản phẩm có liên quan”.

Trước đó, vào tuần trước, Unilever cũng đã thu hồi sản phẩm Chè xanh Lipton được sản xuất từ nguyên liệu sữa có chứa melamine.

Cùng thời điểm này, hãng thực phẩm Heinz của Mỹ, nhà sản xuất loại sản phẩm “Bột trẻ em có bổ sung thành phần rau xanh DHA+AA” cũng đã thông báo qua hình thức gửi thư điện tử là họ đã tìm thấy melamine trong sản phẩm của mình và nói sẽ khắc phục bằng cách thay đổi nguồn cung cấp nguyên liệu từ nơi khác thay cho Trung Quốc.

Báo “Văn Hối” Hồng Kông số ngày 30/9 đưa tin: Bộ Y tế Indonesia ra thông báo đã tìm thấy melamine trong 4 loại sữa đậu nành nhập khẩu chui từ Trung Quốc và nước này đã bắt đầu thu hủy các sản phẩm độc hại này.

Tại Singapore, Cục Nông Lương và Thú y nước này cho biết, ngoài các sản phẩm sữa do Trung Quốc sản xuất ra, họ sẽ tiến hành xét nghiệm tìm  xem có hay không melamine trong tất cả các loại thực phẩm của Trung Quốc.

Tại Hàn Quốc, sau khi phát hiện thấy có melamine trong bánh quy Trung Quốc hôm 28/9, Sở An toàn Thực phẩm nước này đã quyết định kiếm nghiệm bột đậu giàu protein nhập từ Trung Quốc để sản xuất xúc xích, sủi cảo, viên cá… xem có melamine hay không.

Trong khi đó, tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, nơi đầu tiên phát hiện ra chất melamine trong sữa Tam Lộc, hơn 800 cảnh sát được huy động tham gia chiến dịch truy quét.

Sau hơn 10 ngày sục sạo kiểm tra 41 nông gia sản xuất sữa và nhà kho chứa sữa đã thu giữ tới 222,5 kg melamine tinh chất và bắt giữ 22 kẻ tình nghi.

Cho đến tuần trước đã có 4 trẻ em Trung Quốc bị chết vì sữa độc melamine, ngoài ra có hơn 54 ngàn em phải điều trị sỏi thận. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng số trẻ em là nạn nhân của sữa độc có thể lên tới hàng chục vạn em.

Thu Thủy
Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc và Hồng Kông

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.