Vụ đánh bom Bangkok: Phiến quân IS thuộc diện tình nghi

Phác họa chân dung nghi phạm vụ đánh bom ở Bangkok. Nguồn: The Nation
Phác họa chân dung nghi phạm vụ đánh bom ở Bangkok. Nguồn: The Nation
TP - Lãnh đạo lực lượng cảnh sát Thái Lan hôm qua nói rằng, thủ phạm đánh bom ở thủ đô Bangkok là một mạng lưới và có liên quan công dân Thái.

Cùng ngày, Thái Lan ban hành lệnh bắt một người đàn ông nước ngoài kèm chân dung phác họa dựa trên hình ảnh do camera ghi lại, đồng thời treo thưởng 1 triệu baht (khoảng 640 triệu đồng) cho người báo tin dẫn tới việc bắt giữ.

Cảnh sát Thái hôm qua nói rằng, nghi phạm đánh bom ở Bangkok là một người nước ngoài, và đặc điểm bên ngoài cho thấy anh ta có thể đến từ châu Âu hoặc Trung Đông. “Anh ta có nước da trắng và phải là một người châu Âu hoặc người lai, có thể với người Trung Đông”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan, tướng Prawut Thawornsiri.

Ông Thawornsiri không đưa ra những lý do khác khiến cảnh sát Thái đưa ra phán đoán này ngoại trừ màu da. Ông cho biết, các nhà điều tra tin rằng, 2 người đàn ông khác trong đoạn video do camera giám sát ghi lại là đồng phạm của kẻ đặt bom.

Phác họa chân dung nghi phạm được đưa ra ngày 19/8 khắc họa một thanh niên da trắng, tóc đen dày và hơi dài, râu quai nón, đeo kính. Đối tượng này đối mặt các cáo buộc giết người, sở hữu vũ khí và chất nổ trái phép, báo Thái Lan Bangkok Post đưa tin. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha hôm qua kêu gọi nghi phạm đầu hàng. “Nếu người đó muốn an toàn, anh ta nên tự nộp mình. Các quan chức sẽ có cách hợp pháp để bảo đảm an toàn cho anh ta. Điều đó tốt hơn lẩn trốn. Nếu không đời anh ta sẽ trở nên khốn khổ”, AP dẫn lời ông Prayuth nói với báo giới.

Ông Prayuth nói thêm: “Tôi muốn nói với những người gần gũi với nghi phạm rằng, hãy khuyên anh ta trình diện cảnh sát, dù bạn có thuộc cùng mạng lưới hay không, vì anh ta có thể gặp nguy hiểm”. Thủ tướng Thái Lan cho rằng, thanh niên này có thể đã được thuê để đặt quả bom trước đền Erawan ở trung tâm Bangkok tối 17/8.

Dù nghi phạm chính chưa được xác định, Tòa án hình sự Bangkok đã phát lệnh bắt. Tướng Thavornsiri phát biểu trên truyền hình rằng, nghi phạm có thể là người lai. “Hy vọng anh ta vẫn ở Thái Lan”, ông Prawut nói, đồng thời cho biết sẽ triệu tập một số người có mặt trong đoạn video giám sát.

Lãnh đạo lực lượng cảnh sát quốc gia của Thái Lan,  ông Somyot Poompanmoung nói rằng, bất kỳ ai xuất hiện trong đoạn phim đều bị coi là nghi can. Ít nhất 2 người nước ngoài đã bị cảnh sát gọi đến thẩm vấn. Ông Poompanmoung nói với hãng tin AP: “Chắc chắn nghi phạm không hành động một mình. Đó là cả một mạng lưới”. Ông không nói chi tiết về mạng lưới nhưng khẳng định, công dân Thái Lan liên quan vụ đánh bom.

“Tôi không nghi một người, mà nghi nhiều người. Tôi tin rằng có người Thái dính líu, nhưng tôi không nói rằng chỉ có người Thái tham gia”, ông Poompanmoung nói.

Cảnh sát Thái Lan trước đó nói rằng, họ vẫn chưa xác định được quốc tịch hay nơi trú ẩn của đối tượng áo vàng xuất hiện trong đoạn phim giám sát. Các khu vực biên giới đang được tăng cường giám sát để chặn nghi phạm trốn sang nước khác. Phát biểu trong cuộc họp báo chiều qua, ông Poompanmoung nói rằng, vẫn chưa rõ có bao nhiêu người liên quan vụ tấn công, cũng chưa rõ liệu chúng còn ở Thái Lan hay không. Phó cảnh sát trưởng Jaktip Chaijinda trước đó cho biết, các nhà điều tra tin rằng, nghi phạm áo vàng trông giống người nước ngoài hơn là người Thái.

Camera giám sát ghi lại hình ảnh một thanh niên mặc áo phông vàng đeo ba lô đi vào khu vực ngôi đền, ngồi tựa vào lan can rồi tụt dần ba lô xuống. Anh ta sau đó đứng dậy và bước đi trong khi cầm điện thoại, để lại chiếc ba lô như thể một khách du lịch bỏ quên. “Xem video giám sát, chúng tôi nghĩ rằng người đàn ông áo vàng có thể đang phối hợp với một hoặc hai người khác ở hiện trường”, BBC dẫn lời tướng Thavornsiri.

IS, al-Qaeda cũng thuộc diện tình nghi

Thiếu tướng cảnh sát Pornchai Suteerakune, lãnh đạo Viện Pháp y Thái Lan, cho biết, thi thể của hầu hết người thiệt mạng trong vụ nổ đều có các vết thương do bi từ quả bom gây ra. Vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom khiến ít nhất 20 người chết, hơn 120 người bị thương. Vụ tấn công xảy ra vào thời điểm nhạy cảm với Thái Lan sau hàng thập kỷ bị tác động bởi những mâu thuẫn, đôi khi biến thành bạo lực, giữa các đảng phái chính trị để tranh giành quyền lực ở Bangkok.

Giới chức Thái chưa loại bỏ nhóm nào khỏi diện nghi vấn, gồm cả những phần tử phản đối chính quyền quân sự, dù họ cho rằng, vụ tấn công không giống cách thức của những phần tử Hồi giáo nổi dậy ở miền nam hay những người thuộc phe “áo đỏ” ủng hộ chính quyền trước. “Vụ tấn công không mang dấu ấn của những phần tử ly khai Hồi giáo ở miền nam hay các tay súng “áo đỏ”, ông Angel Rabasa, chuyên gia nghiên cứu về các chiến lược tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức tư vấn chính sách RAND, nhận định.

Ông Rabasa cho rằng, vụ tấn công cũng có thể do lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện vì chúng đang mở rộng ở Đông Nam Á. Ngoài ra, có thể một nhóm thánh chiến hoặc nhóm nào đó dính dáng tổ chức khủng bố al-Qaeda thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, những nhóm như vậy thường tuyên bố nhận trách nhiệm sau khi tấn công.

Cảnh sát Thái Lan cho biết, họ cũng tính đến khả năng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc, đứng sau vụ việc, sau khi Thái Lan buộc hồi hương 109 người Duy Ngô Nhĩ vào tháng trước. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ tìm đường xuyên qua Đông Nam Á để sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha tìm cách làm dịu tin đồn. “Tôi luôn nói rằng, điều chính phủ làm nằm trong khuôn khổ pháp luật và thỏa thuận quốc tế. Nếu chúng tôi không gửi trả họ, họ sẽ trở thành gánh nặng cho Thái Lan. Tôi không muốn khơi vấn đề này ra”, Reuters dẫn lời ông Prayuth.

Sau khi hiện trường được dọn dẹp, đền Erawan hôm qua mở cửa trở lại, báo Thái Lan The Nation đưa tin.          

MỚI - NÓNG