Vũ khí bí mật của Iran làm Mỹ và phương Tây lo ngại

Vũ khí bí mật của Iran làm Mỹ và phương Tây lo ngại
TPCN - Mỹ và phương Tây tỏ ra rất lo ngại về những loại vũ khí Iran đưa ra thử nghiệm, bởi lẽ bấy lâu nay, tình báo của họ không hề hay biết gì về những loại vũ khí này.
Vũ khí bí mật của Iran làm Mỹ và phương Tây lo ngại ảnh 1
Các loại tên lửa hiện đại mà Iran đã thử nghiệm thành công

Tối 4/4 vừa qua, Đài truyền hình quốc gia Iran đưa tin quân đội nước này đã thử thành công một loại tên lửa bờ đối hạm tầm trung.

Điều đáng nói là ở chỗ loại tên lửa này không những không bị ra đa đối phương phát hiện mà hệ thống dẫn đường của nó còn vô hiệu hoá tất cả mọi loại nhiễu điện tử.

Đây là loại vũ khí mới thứ tư mà Iran đã thử nghiệm thành công trong cuộc diễn tập một tuần được bắt đầu từ ngày 31/3.

Ba loại vũ khí mà họ bắn thử trước đó là: tên lửa tàng hình mang nhiều đầu đạn có thể đồng thời đánh trúng nhiều mục tiêu và quan trọng hơn là không bị hệ thống rađa chống tên lửa phát hiện; tên lửa phóng từ dưới nước tốc độ cao có thể đánh chìm mọi loại tàu lớn và ngư lôi kiểu mới có thể phá hủy mọi loại tàu.

Cuộc diễn tập lớn mang tên “Đấng tiên tri thần thánh” này được tổ chức ngay sau khi Liên Hợp Quốc đưa ra thời hạn 30 ngày cho việc Iran xử lý vấn đề hạt nhân, có 1,7 vạn quân bao gồm lục, hải, không quân, dân binh, cảnh sát và 1.500 máy bay, tàu chiến tham gia.

Đây là cuộc tập trận lớn nhất, sử dụng các loại vũ khí hiện đại nhất trong lịch sử Iran như: máy bay không người lái “Ong vàng” do Iran tự nghiên cứu chế tạo, loại tàu ngầm đầu tiên do Iran sản xuất, tên lửa đất đối đất “Sao chổi-II” với tầm bắn 500 km có thể đánh vào bất cứ mục tiêu nào của quân Mỹ trên đất Iraq.

Nhưng đó chưa phải là điều khiến Mỹ và Israel quan tâm. Điều khiến họ lo ngại là những loại vũ khí Iran đưa ra thử nghiệm lần này tình báo của họ bấy nay chả hề hay biết gì.

Ngay sau khi cuộc diễn tập bắt đầu, quân đội  Iran đã thử thành công loại tên lửa tàng hình “Thắng lợi-III”. Loại tên lửa này có tính cơ động rất cao, không bị phát hiện bởi hệ thống rađa chống tên lửa, tránh được đòn đánh chặn của tên lửa phòng không đối phương, đồng thời có độ chính xác rất cao.

Ông Sharamir, Tư lệnh không quân Iran không nói rõ về tầm bắn của nó nhưng lại khẳng định “điều quyết định của tên lửa là ở chỗ mang được nhiều đầu đạn và trọng lượng của đầu đạn”.

Tối hôm đó, Đài truyền hình quốc gia Iran đã phát đi phát lại cảnh phóng tên lửa và nói loại tên lửa đạn đạo này có tầm bắn vượt xa mức 2.000 km của loại “Sao chổi-II” Iran đang có, có khả năng bắn tới tất cả các mục tiêu ở Israel và các vị trí của quân đội Mỹ ở Trung Đông.

Tiếp đó, ngày 2/4, quân đội Iran đã cho phóng một loại ngư lôi kiểu mới có tốc độ đạt tới 100m/s. Phía Iran khẳng định: đây là loại ngư lôi có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay.

Đoạn phim chiếu trên truyền hình cho thấy quả ngư lôi thử nghiệm đã bắn trúng chiếc tàu mục tiêu. Phó Tư lệnh Hải quân Iran Farawi khoe: Loại ngư lôi có tên là “Cá kình” này không thể bị các phương tiện cảnh báo của đối phương phát hiện, tốc độ của nó cao gấp 4 lần loại ngư lôi bình thường.

Ông còn khẳng định, với đầu nổ lớn, ngư lôi này chuyên dùng để đánh chìm các loại tàu chiến lớn. Cho đến nay, thế giới mới biết đến loại ngư lôi có tên “VA-111Shkval” do Nga thử nghiệm hồi năm 1995 là đạt tới tốc độ đó.

Theo các tư liệu có liên quan thì đó là loại “tên lửa ngầm dưới nước” được Nga lặng lẽ chế tạo để đột phá hệ thống bảo vệ tàu ngầm của Mỹ. Nó còn được dùng để đánh chặn các ngư lôi của đối phương.

Sau khi Iran phóng thử “Cá kình”, các chuyên gia quân sự quốc tế đều băn khoăn không biết có phải họ đã có được kỹ thuật này từ người Nga và liệu nó có mang đầu đạn hạt nhân hay không?

Người phát ngôn cuộc tập trận là tướng Ibrahim Dafakani còn khiến các nhà quan sát quốc tế phải đau đầu khi úp mở tuyên bố: “Trong những ngày tới đây sẽ xảy ra những sự việc trọng đại khiến tất cả mọi người Iran tự hào”.

Về mục đích cuộc diễn tập này, Ibrahim nói: Iran muốn thông qua đó truyền đi lời nhắn gửi: Mọi hành động ở vùng Vịnh gây hại đến lợi ích của Iran đều bị giáng trả đích đáng.

Cuộc tập trận của Iran đã khiến quân đội Anh, Mỹ ở Trung Đông lâm vào trạng thái bối rối không yên và chuyển sang tình trạng báo động cao. Dư luận cho rằng, nếu nhằm răn đe phương Tây chớ có đụng đến họ thì người Iran đã đạt được mục đích.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây tỏ vẻ không tin là Iran đã có được kỹ thuật chế tạo tên lửa mang nhiều đầu đạn cùng lúc tiến công nhiều mục tiêu.

Họ cho rằng Iran chỉ bắt đầu nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị sau khi bị Mỹ cấm vận. Năm 1992 họ mới có khả năng sản xuất xe tăng, máy bay, tên lửa, tàu chiến.

Người phát ngôn tạp chí quốc phòng Jean’s của Anh nói: “Chúng ta không biết những lời khoe khoang của người Iran đáng tin đến đâu, vì bên ngoài rất khó biết được thực lực kỹ thuật quân sự của họ.

Còn về đầu đạn hạt nhân thì họ chưa thể có sau 5 năm nữa”. Một chuyên gia tên lửa của Israel thì cho rằng Iran đã nói khoác khi loan báo đã sản xuất được tên lửa mang nhiều đầu đạn.

Ông này nói: “Nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài thì Iran không thể sản xuất được loại tên lửa này. Hiện nay mới chỉ Mỹ, Nga, Trung Quốc là nắm giữ kỹ thuật tiên tiến này, các quốc gia khác chưa thể có được”.

MỚI - NÓNG