Vũ khí đáng sợ của ông Gaddafi

Dân di cư Bắc Phi tràn sang châu Âu
Dân di cư Bắc Phi tràn sang châu Âu
TP - Trong khi mối lo ông Gaddafi sử dụng vũ khí hóa học chưa thành hiện thực thì một số chuyên gia cho rằng, ông Gaddafi đã khởi động thứ vũ khí đáng sợ nhất đối với châu Âu – thả nổi làn sóng tị nạn.

>> Mỹ chấm dứt nhiệm vụ không kích tại Libya từ 2-4

Dân di cư Bắc Phi tràn sang châu Âu
Dân di cư Bắc Phi tràn sang châu Âu.

Việc tầu tuần tra bờ biển của Italia đêm 29-3 bắt giữ chiếc thuyền chở đầy người di cư từ Libya đang trên đường tới đảo Lampedusa của Italia khiến nhiều người nghi ngờ đây là chủ trương chính thức của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi - chủ trương đẩy làn sóng người di cư sang châu Âu để đáp trả chiến dịch Bình minh Odyssey của các nước phương Tây. Các trại tị nạn đầy ắp người đã buộc chính phủ Italia họp phiên khẩn cấp để bàn cách đối phó.

Thực ra, vấn đề người dân Bắc Phi thất nghiệp và nghèo đói tấn công các quốc gia Nam Âu không có gì mới. Nhưng giờ đây, những rối loạn tại Bắc Phi và thế giới A Rập và nhất là chiến dịch quân sự do liên quân phương Tây tiến hành ở Libya đã đẩy vấn đề đó thành làn sóng thần tị nạn. Chính quyền một số nước châu Âu thậm chí đã phải nói tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Thống kê của chính quyền đảo Lampedusa cho thấy, số người dân trên đảo chỉ trong 24 giờ đã tăng thêm hơn một nghìn người. Hòn đảo nhỏ này không thể chứa được hết. Dân tị nạn nhất định phải đi tiếp, có nghĩa là vào sâu trong lục địa châu Âu.

Kể từ khi Tổng thống Tunisia Ben Ali chạy trốn, đảo Lampedusa đã tiếp nhận gần 15.000 người. Trên đảo hiện nay có 6.000 người tị nạn. Trong tương lai, nếu các nước Bắc Phi và A Rập tiếp tục rối loạn, tình hình chắc chắn sẽ còn tệ hại hơn và có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại những vùng đất khác. Mới đây, hơn 500 người tị nạn Bắc Phi đã đổ bộ lên đảo Malta. Phần lớn thuộc cộng đồng Somalia, một trong những cộng đồng lớn nhất ở Libya. Tất cả đều muốn đến các nước Nam Âu, đặc biệt là Italia.

Nhiều nhà phân tích coi chủ trương thả nổi làn sóng di cư mà ông Gaddafi tung ra mới là vũ khí đáng sợ nhất đối với châu Âu.

Mối nghi ngờ này hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, trước kia, để ngăn chặn làn sóng di cư của người dân Bắc Phi, các nước châu Âu đã ký với chính quyền Tunisia và Libya những hiệp định viện trợ kinh tế cho các nước này để đổi lấy việc họ sẽ ngăn chặn dòng người Bắc Phi tràn sang châu Âu. Những hiệp định này đã tỏ ra rất hữu hiệu, làn sóng di cư từ Bắc Phi sang châu Âu hầu như bị chặn đứng.

Nhưng giờ đây, tình hình đã khác hẳn. Chỉ ít ngày sau khi lực lượng đối lập được phương Tây ủng hộ gây bạo loạn ở Libya, nhà lãnh đạo Gaddafi đã lên tiếng đe dọa sẽ để mặc người dân Bắc Phi tràn sang châu Âu. Xem ra ông đã bắt đầu thực hiện lời đe dọa này.

Trước đây đã có khoảng 300.000 người Phi xâm nhập bất hợp pháp vào châu Âu. Hiện nay, theo đánh giá của chính quyền Italia, đã có khoảng 1,5 triệu người Phi xâm nhập vào Libya để rồi tìm cách vượt Địa Trung hải sang châu Âu.

Cho tới nay, các nước châu Âu đã tỏ ra bất lực trước số lượng người di cư nghèo khổ đông đến vậy. Châu Âu lại đang vật lộn một cách tuyệt vọng để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế. Nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng dẫn đến tâm trạng bài ngoại tăng lên, đặc biệt ở Pháp, nước đi đầu trong chiến dịch chống Libya.

Những cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy mức tín nhiệm của người dân Pháp đối với đảng của Tổng thống Sarkozy và cá nhân ông không những thua xa đảng Xã hội đối lập mà còn thua cả đảng cực hữu chủ trương hạn chế nghiêm ngặt người di cư vào Pháp.

Ngọc Thoa
Tổng hợp từ báo Nga

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG