Vũ khí Mỹ bị nghi ngờ sau vụ tấn công ở Ả rập Xê út

Hệ thống phòng không Patriot đã tỏ ra vô tác dụng trước những drone giá rẻ Ảnh: defensepost.com
Hệ thống phòng không Patriot đã tỏ ra vô tác dụng trước những drone giá rẻ Ảnh: defensepost.com
TP - Mặc dù chi nhiều tỷ USD mua thiết bị, vũ khí quân sự tối tân của Mỹ và phương Tây, chủ yếu được thiết kế nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ trên không, Ả rập Xê út đã không thể cản được vụ tấn công bằng các máy bay không người lái (drone) giá rẻ và tên lửa hành trình - những thứ làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.

Cả Ả rập Xê út và Mỹ đều nói họ tin Iran, kẻ thù không đội trời chung với Riyadh, có thể đứng đằng sau vụ tấn công hôm thứ Bảy tuần trước. Ba quan chức Mỹ nói vụ này có sự tham gia của các drone và tên lửa hành trình. Tehran đã bác bỏ họ có liên quan.

Xét ở khía cạnh quân sự, theo tổ chức nghiên cứu CSIS có trụ sở ở Mỹ, Iran vẫn là quốc gia có năng lực tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo lớn nhất ở Trung Đông, có thể áp đảo bất cứ hệ thống phòng không nào của Ả rập Xê út.

Nhưng vụ tấn công hôm thứ Bảy đã chứng tỏ chẳng cần đến tên lửa đạn đạo. Chỉ một vụ tấn công có giới hạn về vũ khí đã tỏ ra là thứ “quá sức” đối với hàng phòng thủ của Ả rập Xê út.
Riyadh nói kết quả điều tra ban đầu cho thấy vũ khí được sử dụng do Iran chế tạo nhưng vị trí phóng tên lửa vẫn chưa được xác định.

Giới chức Ả rập Xê út lúc đầu hướng sự chú ý đến các drone, nhưng các quan chức Mỹ nói việc sử dụng tên lửa hành trình và drone cho thấy mức độ linh hoạt và tinh vi của những kẻ tấn công cao hơn so với nhận định ban đầu.

“Vụ tấn công này giống như một vụ 11/9 ở Ả rập Xê út, nó làm thay đổi cục diện cuộc chơi”, một nhà phân tích an ninh Ả rập Xê út giấu tên nói với Reuters.

“Tất cả những hệ thống phòng không và vũ khí Mỹ mà chúng ta đã chi ra nhiều tỷ USD để mua về bảo vệ vương quốc và các nhà máy lọc dầu đâu cả rồi? Nếu chúng tấn công chính  xác như thế, chúng có thể đánh vào nhà máy lọc nước biển và nhiều mục tiêu khác”.

Hệ thống phòng không chính của Ả rập Xê út, được triển khai chủ yếu để bảo vệ các thành phố lớn và các cơ sở công nghiệp, từ lâu vẫn là hệ thống tên lửa tầm xa Patriot của Mỹ.

Hệ thống này đã đánh chặn thành công các tên lửa đạn đạo tầm cao do lực lượng Houthi ở Yemen bắn nhằm vào các thành phố ở Ả rập Xê út, bao gồm cả thủ đô Riyadh, kể từ khi Ả rập Xê út dẫn đầu một liên minh quân sự can thiệp vào Yemen sau khi Houthi đánh đuổi chính phủ Yemen hồi năm 2015.

Nhưng drone và tên lửa hành trình bay chậm hơn, bay thấp hơn. Hệ thống Patriot đã không thể phát hiện sớm để có thể triển khai đánh chặn.

Drone là một thách thức lớn với Ả rập Xê út bởi vì chúng thường bay thấp dưới tầm radar và trước thực tế đường biên giới dài với Yemen và Iraq, Ả rập Xê út rất dễ tổn thương, một quan chức nước này nói.

Một số nguồn tin nói với Reuters rằng Riyadh đã biết về mối nguy cơ bị tấn công bằng drone trong nhiều năm, cũng đã thảo luận nhiều lần về chuyện này, nhưng chưa có vũ khí mới nào được triển khai.

Giới chức A rập Xê út được nói là đã di chuyển một khẩu đội Patriot tới giếng dầu Shaybah sau khi giếng dầu này bị tấn công hồi tháng trước. Các khẩu đội Patriot khác cũng được bố trí gần một số nhà máy lọc dầu.

“Hầu hết các radar phòng không truyền thống được thiết kế để chống lại các mối đe dọa ở độ cao lớn như tên lửa”, chuyên gia Dave DesRoches của Đại học Quốc phòng ở Washington, nói. “Tên lửa hành trình và drone hoạt động ở độ cao thấp, gần mặt đất, và radar không thể nhìn thấy chúng từ xa bởi đường cong hình cầu của trái đất. Drone quá nhỏ và không phát ra tín hiệu nhiệt đối với hầu hết radar”, ông nói.

Đánh chặn drone với giá chỉ có vài trăm USD bằng hệ thống phòng không Patriot thì cực kỳ đắt đỏ, bởi mỗi tên lửa của hệ thống này cũng có giá 3 triệu USD (gần 70 tỷ đồng).Ả rập Xê út sẽ công bố bằng chứng Iran tấn công nhà máy lọc dầu

Bộ Quốc phòng Ả rập Xê út cho biết sẽ họp báo công bố những bằng chứng cho thấy Iran có liên quan tới vụ tấn công khủng bố vào các nhà máy lọc dầu của nước này, Reuters đưa tin. Những bằng chứng được công bố có thể sẽ gây sức ép buộc Riyadh và Washington phải đáp trả, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nói không muốn có chiến tranh.

Một quan chức Mỹ nói các cuộc tấn công bắt nguồn từ khu vực tây nam Iran. Một số đồng minh của Mỹ yêu cầu đưa ra bằng chứng chứng minh Tehran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này khiến sản lượng dầu toàn cầu giảm 5%. Ả rập Xê út, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, ngày 17/9 cho biết,  họ sẽ khôi phục được sản lượng 5,7 triệu thùng dầu vào cuối tháng này.

Một quan chức Mỹ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có hành động đáp trả lại các cuộc tấn công, mặc dù khả năng thành công là không thể vì các nhà ngoại giao cho rằng, Nga và Trung Quốc, những nước có quyền phủ quyết, có thể sẽ bênh vực Iran.

Trong đoạn video được phát trên truyền hình Iran ngày 18/9, tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, vụ tấn công nhà máy lọc dầu là một lời cảnh báo của người Yemen. L.A

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.