Vũ khí Mỹ mang tên USD

USD được xem là đồng tiền giao dịch chính trên thị trường dầu mỏ thế giới ảnh: moneyweek.com
USD được xem là đồng tiền giao dịch chính trên thị trường dầu mỏ thế giới ảnh: moneyweek.com
TP - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã mô tả đồng dollar Mỹ  (USD) như một công cụ gây sức ép mà theo lời ông, Washington sử dụng khi nào “muốn trừng phạt ai đó”.

“Washington ngay lập tức ngừng các giao dịch bằng dollar với ngân hàng có liên quan đến cả quốc gia mà họ muốn trừng phạt lẫn những ai có quan hệ với quốc gia đó”, ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn của truyền hình Nga. Ông cũng nói thêm rằng, “trong nhiều thập kỷ, mọi người đã hy vọng Mỹ sẽ làm tốt trách nhiệm của quốc gia phát hành đồng tiền có giá trị dự trữ cao nhất thế giới”, theo Sputnik.

Nhận xét của ngoại trưởng Nga xuất hiện sau khi thống đốc vùng Flanders (Bỉ) Geert Bourgeois nói Mỹ dùng đồng USD như một vũ khí để trừng phạt các nước khác.Ông cũng nói Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư vào Iran.Hồi giữa tháng 8, bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã chỉ ra rằng “đồng USD, được coi là tiền tệ quốc tế, đã trở thành một công cụ thanh toán đầy rủi ro”.

Ông cũng không loại trừ khả năng các nước sẽ sử dụng đồng nội tệ thay vì dollar trên thị trường dầu mỏ.

Các tranh cãi xung quanh đồng USD đã được khuấy lên từ cuộc đấu khẩu về tài chính giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Mỹ đã khơi mào tranh cãi bằng thông báo Washington sẽ đánh thuế gấp đôi đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó tỷ giá đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, mất giá so với USD 16%. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi cuộc đảo lộn của đồng lira  là “một âm mưu tiền tệ” và tuyên bố Ankara sẵn sàng từ chối đồng USD trong các giao dịch với đối tác thương mại.

Diễn tiến này xuất hiện lúc Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc đang tăng cường sắp xếp để sử dụng các đồng nội tệ thanh toán qua lại trong nhóm, khi Tehran sử dụng vàng thay 
thế USD.

Ngày 8/5, tổng thống Trump  tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, đe dọa phục hồi các lệnh trừng phạt “khắc nghiệt nhất” chống Iran và cũng đe dọa các công ty châu Âu tiếp tục hợp tác với nước cộng hòa Hồi giáo này.

Lấy tiền “đè người”

Hôm 4/5, hãng tin Tasnim (Iran) đăng bài phỏng vấn với một chuyên gia kinh tế độc lập. Nhà kinh tế Pye Ian, đến từ Los Angeles (Mỹ) cho rằng Mỹ đang cố gắng sử dụng sức mạnh của đồng USD làm vũ khí để trừng phạt nhiều nước, bao gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và các nước muốn hành động độc lập khỏi cái gọi là “vùng ảnh hưởng bá quyền dollar”.

“Bởi vì đồng USD có vị trí thống lĩnh đối với mọi đồng tiền khác trên thế giới, và bởi vì các giao dịch dầu mỏ đều phải dùng USD để tính toán và giao dịch, nhắm vào đồng nội tệ của các quốc gia đối nghịch mà Mỹ (và Anh) xem là dễ bị tổn thương bởi “vùng ảnh hưởng bá quyền dollar” là biện pháp dễ dàng thực hiện”, chuyên gia Ian nói với Tasnim.

Ông nói thêm: “Hơn nữa, chứng kiến ngày càng nhiều giao dịch tài chính toàn cầu được thực hiện bằng công nghệ số, thay vì tiền mặt, vàng hay hàng đổi hàng, biến dollar thành vũ khí, công cụ tác động đến sức khỏe tài chính của các thị trường (quốc gia) mới nổi, cùng dễ dàng hơn rất nhiều”. Do vậy, các cuộc khủng hoảng tiền tệ mới lan tràn, từ Iran tới Nga, Argentina, Venezuela, Zimbabwe và nhiều nơi khác nữa, tất cả đều không phải là tình cờ”.

Hồi đầu tuần, tỷ giá USD/rial (tiền Iran) đã đạt kỷ lục mới, lên mức 129.000 rial/USD trên thị trường chợ đen ở Tehran.

Hồi cuối tháng 7, tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) rằng Mỹ đang sử  dụng hệ thống thanh toán vào các mục tiêu chính trị và việc này đang làm xói mòn giá trị của đồng USD với vai trò đồng tiền toàn cầu.

“Bằng việc áp đặt các giới hạn, các lệnh trừng phạt, họ (Mỹ) đang làm xói mòn niềm tin vào dollar với tư cách một đồng tiền có giá trị dự trữ”, ông Putin nói, được Russia Today trích thuật. Ông Putin cũng nói Nga không có ý định từ bỏ đồng USD vì nó được sử dụng rộng rãi trong giao dịch thương mại quốc tế.Tuy nhiên, tổng thống Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải có các đồng tiền khác trong giao dịch thương mại quốc tế.

MỚI - NÓNG