Vụ Lion Air Indonesia: ‘Đến phần cứng nhất của máy bay cũng tan tành'

Mảnh vỡ máy bay Lion Air JT610. Ảnh: Reuters
Mảnh vỡ máy bay Lion Air JT610. Ảnh: Reuters
TPO - Uỷ ban An toàn Giao thông Indonesia (KNKT) hôm nay, 5/11, cho biết máy bay Lion Air gặp nạn hôm 29/10 đã phải chịu lực va đập lớn hơn nhiều so với chiếc máy bay AirAsia từng lao xuống biển hồi tháng 12/2014.

Toàn bộ 189 người có mặt trên máy bay Lion Air JT610 được cho là đã thiệt mạng sau khi phi cơ bất ngờ đâm sầm xuống biển chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ sân bay Jakarta.

Đây được cho là thảm hoạ hàng không tồi tệ nhất tại Indonesia kể từ sau vụ rơi máy bay Garuda năm 1997, khiến 214 người thiệt mạng.

Trong tuyên bố mới nhất được đưa ra hôm nay, ông Soerjanto Tjahjono – người đứng đầu KNKT cho biết chiếc Lion Air JT610 đã lao xuống biển với tốc độ cực lớn và lập tức vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.

Kết luận này được đưa ra dựa trên kích thước các mảnh vỡ của chiếc JT610, đồng thời trái ngược với một số thông tin trước đó cho rằng máy bay có thể đã nổ tung trên không trung.

“Máy bay vỡ tan khi đâm xuống biển. Một số người lo ngại rằng phi cơ có thể đã vỡ thành nhiều mảnh trên không trung. Tuy nhiên, chúng tôi xác nhận thông tin này không chính xác”, ông Soerjanto Tjahjono nói.

“Vụ tai nạn này nghiêm trọng hơn so với vụ Air Asia năm 2014. Máy bay Lion Air lao xuống biển với tốc độ cực cao. Trong khi máy bay Air Asia chỉ lướt trên mặt biển”, ông Tjahjono nhận định. “Khi va chạm, máy bay Lion Air đang di chuyển với vận tốc lớn.”

Một số chuyên gia cho rằng chiếc Boeing 737 Max 8 của Lion Air đã lao xuống biển với tốc độ từ 1.000km/h trở lên.

Trước đó, tháng 12/2014, chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không Air Asia chở theo 162 đã rơi xuống biển Java (Indonesia) khi đang trên đường từ Surabaya đến Singapore.

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ đã thu thập được 138 túi chứa các mảnh thi thể của nạn nhân vụ JT610. Tuy nhiên, mới chỉ có 14 nạn nhân được xác định danh tính.

“Hôm nay, chúng tôi sẽ tiến hành nhận dạng hơn 30 túi đựng thi thể, dựa trên phương pháp xác định dấu vân tay, hồ sơ nha khoa, mẫu DNA, kết hợp với đồ dùng cá nhân”, Đại tá Lisda Cancer, người phụ trách cơ quan Pháp y của cảnh sát Indonesia cho biết.

Quá trình tìm kiếm hộp đen thứ 2, theo ông Soerjanto, cũng gặp không ít khó khăn do các mảnh vỡ của Lion Air hầu như không còn nguyên vẹn. “Ngay cả các phần cứng nhất của máy bay cũng bị vỡ tan tành.”

Theo Theo Straitstimes
MỚI - NÓNG