Vụ mất tích máy bay MH370 sẽ mãi mãi là ẩn số?

Gần 3 năm sau ngày chiếc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia mất tích hôm 17/1, Trung tâm điều phối của các quốc gia liên quan gồm Malaysia, Australia, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố chấm dứt việc tìm kiếm chiếc máy bay xấu số này.

Việc chấm dứt tìm kiếm MH370 không phải vì thiếu tiền mặc dù nó đã tiêu tốn hết 160 triệu USD, mà vì dựa vào những kỹ thuật tối tân nhất, sau khi tiến hành lùng sục trên một khu vực có diện tích 120.000km2 mặt biển tại một địa điểm ở phía tây Australia, được cho là nơi máy bay rơi, nhưng không mang lại kết quả.

Theo Trung tâm điều phối việc tìm kiếm đặt tại Australia, hồi đầu mùa hè năm ngoái, sau khi nghiên cứu tất cả mọi dữ liệu từ 16 vệ tinh của một số quốc gia trên thế giới có liên quan trong lĩnh vực hàng không, các chuyên gia đã kết luận rằng nhiều khả năng chiếc MH370 đã gặp nạn ở vùng biển này. Tuy nhiên, với  những cố gắng phi thường cả ở trên không lẫn dưới nước, đến cuối tháng 12, cả Malaysia, Australia lẫn Trung Quốc đều nhận ra rằng kết luận của các chuyên gia thiếu hẳn những bằng chứng chính xác.

Trong bản thông cáo chung đưa ra hôm 17/1 vừa qua, ba Bộ trưởng Giao thông của Malaysia, Australia, Trung Quốc cùng lên tiếng: “Bất chấp mọi nỗ lực bằng cách sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất, dựa trên ý kiến của những chuyên gia giỏi nhất về thảm họa hàng không, việc tìm kiếm chiếc MH370 đã được tiến hành liên tục gần 3 năm trong mọi điều kiện thời tiết. Nhưng không may, cho đến lúc này chúng tôi vẫn chưa xác định được nơi máy bay gặp nạn...”.

Bản thông báo viết tiếp: “Đây là sự thật đau lòng mà cả ba quốc gia chúng tôi phải gánh chịu, nhưng điều quan trọng nhất là nỗi mất mát của gia đình và bạn bè đối với những người trên máy bay. Chúng tôi một lần nữa tôn vinh những hành khách đã mất đi cuộc sống, cũng như nhìn nhận sự đau thương to lớn nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có những thông tin mới để có thể giải đáp được những gì mà tất cả chúng ta đang cố gắng đi tìm...”.

Trước sự việc ấy, ngay lập tức thân nhân của những người xấu số đã đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ bằng cách tuyên bố: “Tiếp tục mở rộng cuộc tìm kiếm là nghĩa vụ không thể trốn tránh của cả 3 quốc gia, là món nợ của họ đối với chúng tôi”.

Narendran, thành viên của nhóm Voice 370 - là một tổ chức tự nguyện hỗ trợ việc tìm kiếm cho biết: “Nếu hiểu được những gì đã xảy ra cho chiếc MH370 thì trong tương lai, chúng ta sẽ tránh được thảm kịch đối với những máy bay khác”.

Vụ mất tích máy bay MH370 sẽ mãi mãi là ẩn số? ảnh 1

Trung tâm điều phối Malaysia, Australia, Trung Quốc ra tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc tìm kiếm chiếc MH370.

Jiang Xi, thân nhân của một hành khách trên máy bay nói: “Đối với tất cả các gia đình của 327 người và 12 thành viên phi hành đoàn mà đến nay, vẫn chưa ai biết rõ số phận của họ, việc chấm dứt tìm kiếm là sự thừa nhận đầy cay đắng của các nhà lãnh đạo, rằng tất cả đều sai trong việc xác định vị trí máy bay rơi”.

Trước khi Trung tâm Điều phối việc tìm kiếm ra tuyên bố chấm dứt, đã có ý kiến đề nghị nên tiến hành lùng sục về phía bắc Australia, trên một diện tích 25.000km2 mặt biển nhưng Chính phủ Australia từ chối vì cho rằng kết quả phân tích của các chuyên gia không đủ chính xác để có thể tiếp tục.

Grace Nathan, công dân Malaysia, có mẹ trên chuyến bay MH370 bức xúc: “Họ lại gây ra sự buồn phiền và thất vọng cho chúng tôi vì rằng họ đã tìm kiếm 120.000 km2, nay tiếc gì mà không tìm thêm 25.000km2 nữa”.

Theo các nhà điều tra tai nạn hàng không, rất nhiều lần các đội tìm kiếm đã hy vọng khi nhận được tín hiệu - được cho là phát ra từ chiếc hộp đen của máy bay MH370 nhưng rồi họ lại thất vọng vì những tín hiệu ấy là của những thiết bị khác. Những mảnh vỡ ban đầu mang lại nhiều tia sáng nhưng hóa ra lại là mảnh của một thùng chứa nhiêu liệu phụ của một máy bay quân sự, hay như một vật thể lớn nằm dưới đáy biển chỉ là xác của một con tàu đã bị đắm từ lâu. Tổng cộng có đến 30 mảnh vỡ, bao gồm các bộ phận của cánh và đuôi, được cho là của chiếc MH370 được tìm thấy trên bờ biển ở đảo Mauritius, Reunion thuộc Pháp và một hòn đảo ngoài khơi bờ biển của Tanzania, châu Phi nhưng sau khi xác minh, tất cả chẳng liên quan gì đến chiếc máy bay xấu số.

Komick, kỹ sư Hãng chế tạo máy bay Boeing nói: “Các điều tra viên chủ yếu dựa vào việc định vị máy bay từ các vệ tinh - cả quân sự lẫn dân sự - một kỹ thuật chưa bao giờ được áp dụng trước đó - bắt đầu từ một vòng cung rất lớn ở Nam bán cầu rồi dần dần thu hẹp vùng nghi ngờ, là vùng biển xa cách đất liền nhất trái đất: 1.800km về phía tây Australia, nơi phần lớn đáy biển chưa hề có ai thăm dò”.

Tuy nhiên, khi không tìm thấy chứng cứ cụ thể, nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu chiếc MH370 có thực sự chuyển hướng bay xuống Nam bán cầu hay không vì hồi tháng 7-2015, những bằng chứng đầu tiên cho thấy nó rơi ở Ấn Độ Dương khi ngư dân vô tình nhặt được một mảnh kim loại ở phía đông Madagascar, được cho là cánh của chiếc MH370.

Cũng thời gian đó, hơn 20 nhân chứng đều xác nhận là đã nhìn thấy, hoặc nghe thấy tiếng nổ khi máy bay đâm xuống nước nhưng chẳng một loại máy dò nào nghe được tín hiệu phát ra từ 2 chiếc hộp đen. Suốt hơn 1 năm, những đội tìm kiếm ngoài việc rà quét đáy biển bằng máy sonar, họ còn sử dụng những đội tàu đánh cá, dùng lưới cào chà đi xát lại những nơi nghi ngờ, hy vọng sẽ phát hiện điều gì đó. Ở những vùng nước sâu, nơi mà lưới cào không đến được, sóng siêu âm của máy sonar phản xạ yếu, các tàu ngầm không người lái được sử dụng nhưng tất cả đều vô ích.

Giữa năm 2016, bắt đầu xuất hiện Thuyết âm mưu, rằng phi công của chiếc MH370 đã cố tình tự sát, kéo theo sinh mạng của 328 người. Khi thông báo chính thức chấm dứt việc tìm kiếm được Trung tâm Điều phối Malaysia, Australia, Trung Quốc phát ra, Sakinab Shah, em gái của phi công Zaharie Ahmad Shah giận dữ cho rằng chính quyền ba nước quyết định dừng lại mà không giải quyết những bí ẩn thì sẽ chẳng bao giờ xóa tan được mối nghi ngờ đối với anh trai cô.

Sakinab Shah nói: “Làm thế nào mà họ có thể xử sự như vậy được? Chẳng lẽ không ai can đảm giơ một ngón tay lên để phản đối hay sao. Các bộ trưởng giao thông ca ngợi những nỗ lực của các đội tìm kiếm với những thách thức chưa từng có nhưng những nỗ lực ấy đã mang lại kết quả gì? Câu trả lời là chẳng có gì cả ngoại trừ sự hoài nghi. Nếu chiếc MH370 không bao giờ được tìm thấy thì lý do về sự biến mất của nó có lẽ cũng chẳng bao giờ được biết đến…”.

Bên cạnh Thuyết âm mưu, còn có nhiều giả thuyết khác, chẳng hạn như chiếc MH370 bị “người ngoài hành tinh bắt cóc”, hoặc một nhóm khủng bố đã cướp máy bay, bắt phi công hạ cánh xuống một địa điểm bí mật nào đó rồi giết toàn bộ hành khách, chỉ giữ lại phi hành đoàn và buộc phải dạy cho chúng cách điều khiển máy bay để thực hiện thêm một vụ 11-9 nữa.

Tim Shackley, chuyên gia an ninh của Cơ quan Hàng không dân dụng Mỹ (FAA) nói: “Tất cả chỉ là chuyện mơ hồ. Cho dù bọn khủng bố có cướp máy bay và giấu ở nơi nào chăng nữa thì chúng tôi vẫn tìm ra dựa trên nhiều yếu tố, ngoại trừ chúng phá hủy toàn bộ máy bay”.

Sau khi Trung tâm Điều phối Malaysia, Australia, Trung Quốc ra tuyên bố chấm dứt việc tìm kiếm chiếc MH370, một nguồn tin nói rằng một nhà tài trợ tư nhân đang dự định bỏ tiền túi ra để tiến hành một cuộc săn lùng mới. Nếu may mắn tìm thấy chiếc máy bay xấu số, nhà đầu tư vừa có tiếng lại vừa có miếng bởi lẽ khi đó Malaysia có thể sẽ hoàn lại chi phí cho công việc này, và thân nhân của những khành khách trên máy bay sẽ rất biết ơn nhà đầu tư vì đã giải tỏa cho họ sự thắc thỏm chờ đợi suốt gần 3 năm qua.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là “một nguồn tin” và chừng nào “nhà đầu tư” chưa chính thức xuất hiện thì chừng đó vụ biến mất của chiếc máy bay MH370 vẫn là một bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới…

Theo Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG