Vụ máy bay chở vũ khí bị bắt ở Thái Lan: Đích đến là Iran

Vụ máy bay chở vũ khí bị bắt ở Thái Lan: Đích đến là Iran
TP - Chiếc máy bay chở vũ khí từ Triều Tiên bị giới chức Thái Lan bắt giữ tháng trước lúc đang trên đường đến Iran, theo một báo cáo mật của chính phủ Thái Lan gửi một ủy ban của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

>> Phi hành đoàn trên máy bay chở vũ khí nhận thêm cáo buộc

Vụ máy bay chở vũ khí bị bắt ở Thái Lan: Đích đến là Iran ảnh 1
Thành viên phi hành đoàn chiếc máy bay mang vũ khí bị dẫn giải

Giới chức Thái Lan đã bắt giữ hơn 35 tấn vũ khí từ một máy bay, theo họ đến từ Triều Tiên, và 5 thành viên phi hành đoàn khi máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Bangkok hồi tháng 12-2009.

Bản báo cáo, gửi Ủy ban cấm vận Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ, nói chuyến hàng bao gồm hỏa tiễn, kíp nổ, bệ phóng hỏa tiễn và đạn súng phóng lựu, theo Reuters.

Chiếc máy bay có lộ trình từ Bình Nhưỡng tới sân bay Mehrabad ở Tehran, báo cáo viết. Công ty được thuê vận tải số hàng đó là Korea Mechanical Industry Co. Iran đang bị LHQ cấm vận ở một số lĩnh vực liên quan chương trình hạt nhân, nhưng không bị cấm nhập khẩu vũ khí.

Một số nhà ngoại giao giấu tên thuộc LHQ nói Ủy ban cấm vận Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ thảo luận về báo cáo của giới chức Thái Lan trong tháng tới và có thể thông báo chi tiết đến Bình Nhưỡng và Tehran về vụ này.

Năm ngoái, Triều Tiên bị LHQ áp đặt một số lệnh cấm vận mới để trừng phạt nước này về việc thử hạt nhân hồi tháng 5-2009. Các biện pháp mở rộng nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán vũ khí của Bình Nhưỡng, được nói là mang lại cho Triều Tiên hơn 1 tỷ USD/năm.

Theo giới chức Mỹ, Triều Tiên thu lợi nhiều từ việc buôn bán tên lửa đạn đạo với Iran và các nước Trung Đông khác. Theo các nhà phân tích, lệnh cấm vận của LHQ và việc Hàn Quốc ngừng viện trợ gây khó khăn lớn cho Triều Tiên, nước có GDP ước tính khoảng 17 tỷ USD và có thể khiến Bình Nhưỡng phải quay lại bàn đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên - Hàn Quốc tái khởi động đàm phán

Trong một diễn biến khác, hai miền Triều Tiên sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán về tương lai của khu công nghiệp chung, sau một số ngày căng thẳng với các cuộc pháo kích gây hấn lẫn nhau.

Theo Straits Times, hôm nay, các quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ gặp nhau tại khu công nghiệp Kaesong, nằm ở biên giới giữa hai nước để tiếp tục các cuộc hội đàm, bị ngắt quãng hôm 21-1. Cuối tuần qua, Triều Tiên thông báo cho phía Hàn Quốc về việc nước này sẵn sàng đối thoại.

Các cuộc hội đàm trước đó đi vào ngõ cụt khi Bình Nhưỡng tiếp tục đòi tăng lương cho 42.000 người Triều Tiên làm việc tại 110 nhà máy do phía Hàn Quốc lập ra, tại khu công nghiệp Kaesong trên đất Triều Tiên, điều mà phía Hàn Quốc vẫn từ chối bàn luận.

Phía Hàn Quốc thì yêu cầu các cuộc hội đàm tập trung việc tạo điều kiện dễ dàng hơn với việc ra vào khu công nghiệp và vấn đề nhà ở cho công nhân tại đây.

Chuyện chưa ngã ngũ thì xảy ra các cuộc pháo kích tại vùng biển tranh chấp giữa hai bên, hiện về nguyên tắc vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ xung đột năm 1950-1953.

Đường biên giới trên biển, được phân lập tại thời điểm cơ bản kết thúc xung đột năm 1953 nhưng không được Triều Tiên công nhận, là gốc rễ nhiều căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.