Vụ rơi máy bay Ai Cập: Khả năng khủng bố cao hơn lỗi kỹ thuật

Chiếc Airbus A320 xấu số của EgyptAir ở sân bay Cairo năm 2014. Ảnh: Airteamimages
Chiếc Airbus A320 xấu số của EgyptAir ở sân bay Cairo năm 2014. Ảnh: Airteamimages
TP - Trước việc máy bay Airbus của EgyptAir với 66 người trên khoang rơi xuống Địa Trung Hải hôm qua, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập cho rằng, khả năng bị tấn công khủng bố cao hơn khả năng trục trặc kỹ thuật.

Đêm qua, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Sherif Fathy nói rằng, dù chưa tìm thấy xác máy bay nhưng theo truyền hình Hy Lạp, các đội tìm kiếm đã nhìn thấy mảnh vỡ của chiếc Airbus A320 xấu số ở phía nam đảo Karpathos của Hy Lạp.

Hai lần “cua gấp”

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos nói rằng, trong hành trình từ Paris tới Cairo, máy bay (được sản xuất năm 2003) đã “cua gấp” hai lần trước khi rơi nhanh xuống biển. “Theo thông tin từ trung tâm hoạt động không lực Hy Lạp, máy bay đã vào vùng thông báo bay của Ai Cập được khoảng 16-24 km và ở độ cao 11.300m. Máy bay rẽ trái 90 độ rồi quay phải 360 độ, hạ độ cao từ 11.300m xuống khoảng 4.600m rồi mất liên lạc ở độ cao khoảng 3.000m”, ông Kammenos nói.

Trong số 66 người trên máy bay, hầu hết đến từ Ai Cập và Pháp. Có tổng cộng 56 hành khách, 7 thành viên phi hành đoàn và 3 nhân viên an ninh. Hôm qua, các lực lượng hải quân Ai Cập và Hy Lạp tìm kiếm máy bay gặp nạn ở vùng biển phía nam đảo Karpathos.

Chuyến bay MS804 của hãng hàng không Ai Cập rời sân bay Charles de Gaulle ở Paris lúc 23h09 (giờ địa phương, tức 4h09 giờ Việt Nam) hôm thứ Tư và dự kiến đến thủ đô của Ai Cập lúc 3h15 sáng (giờ địa phương) hôm thứ Năm. EgyptAir thông báo, máy bay đang bay ở độ cao 11.300m, vừa vào không phận Ai Cập trong điều kiện thời tiết tốt thì biến mất khỏi màn hình radar. Các quan chức hàng không Hy Lạp nói rằng, kiểm soát viên không lưu đã nói chuyện với phi công khi ông này vào không phận Hy Lạp và mọi chuyện dường như bình thường. Họ cố liên lạc lại với phi công, người đã có kinh nghiệm hơn 6.000 giờ bay, lúc 2h27 (giờ Cairo) khi máy bay chuẩn bị vào không phận Ai Cập, nhưng không có tín hiệu hồi đáp. Hai phút sau, máy bay biến mất khỏi hệ thống theo dõi radar.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: “Chúng tôi sẽ rút ra kết luận. Chúng tôi đang xem xét, dù đó là tai nạn hay chuyện gì đó kiểu như khủng bố”. Với giả thuyết đây là vụ khủng bố, các chuyên gia Pháp tập trung làm rõ quy trình, thủ tục lên máy bay, tiếp nhận, vận chuyển hành lý tại nhà ga số 1 sân bay Charles de Gaulle để xem có đối tượng khả nghi nào lọt vào hay không.

Hồi tháng 3, một máy bay của EgyptAir bị không tặc và chuyển hướng tới Cyprus. Không tặc sau đó đầu hàng và toàn bộ con tin được thả.

Ý kiến chuyên gia

Chuyên gia hàng không Alex Macheras nói rằng, Airbus A320 thường được sử dụng cho các chuyến bay tầm ngắn của các hãng hàng không giá rẻ và có độ an toàn cao.

Một chuyên gia khác nói rằng, máy bay đột ngột biên mất mà không phát tín hiệu cấp cứu thì có khả năng là do bị cháy nổ do khủng bố. Sự việc xảy ra quá nhanh nên phi hành đoàn không kịp báo động. Theo thông tin ban đầu, chiếc Airbus A320 biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao 11.300m, nên có khả năng bị nổ vỡ bất ngờ. Đối với máy bay hiện đại, chúng rất khó tự nhiên nứt vỡ ở trên không. Nhưng sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp nói rằng, máy bay “cua gấp” và hạ độ cao nhanh chóng nên nhiều khả năng máy bay không bị nổ ngay lúc ở độ cao 11.300m.

Theo EgyptAir, trong số 56 hành khách có 30 công dân Ai Cập, 15 công dân Pháp 2 công dân Iraq và mỗi nước Anh, Canada, Bỉ, Kuwait, Ảrập Xêút, Algeria, Sudan, Chad và Bồ Đào Nha có 1 công dân. Đại sứ quán Chad ở Pháp thông báo, một thanh niên Chad, sinh viên một học viện quân sự Pháp, có mặt trên chuyến bay MS804 để về nhà chịu tang mẹ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.