Vua Tây Ban Nha thăm Việt Nam

Vua Tây Ban Nha thăm Việt Nam
TP - Tối ngày 19/2, Vua Tây Ban Nha Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Phu nhân.
Vua Tây Ban Nha thăm Việt Nam ảnh 1
Từ phải qua trái: Vua Juan Carlos, Hoàng hậu Sofia, các Công chúa Elena, Cristina và Hoàng tử Felipe

Theo dự kiến, sáng nay (20/2) lễ đón chính thức Vua Tây Ban Nha và Hoàng hậu được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Phủ Chủ tịch.

Trong thời gian ở thăm Việt Nam từ ngày 19-21/2, Vua Juan Carlos có các cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sẽ có buổi tiếp Vua Juan Carlos và Hoàng hậu tại trụ sở Trung ương Đảng vào chiều ngày 20/2. Vua Juan Carlos sẽ cùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương chứng kiến lễ ký kết các hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Tây Ban Nha tại Phủ Chủ tịch.

Các vị khách quí Tây Ban Nha sẽ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Hà Nội, thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, dự Diễn đàn doanh nghiệp Tây Ban Nha – Việt Nam, dự lễ khai trương Văn phòng Hợp tác phát triển, gặp gỡ cộng đồng Tây Ban Nha đang công tác, kinh doanh, học tập tại Việt Nam.

Ông Juan Carlos  lên ngôi vua ngày 22/11/1975. Bức thông điệp đầu tiên ông Juan Carlos phát ra là những ý tưởng cơ bản về sự trị vì của nhà Vua đối với mọi công dân Tây Ban Nha và khôi phục nền dân chủ.

Vài năm tiếp theo là thời kỳ nước Tây Ban Nha chuyển đổi từ nền cộng hòa sang nền quân chủ nghị viện như ngày nay. Theo Hiến pháp mới, Vua Tây Ban Nha là người tài phán và trông coi việc hoạt động đúng pháp luật của các thể chế trong nước.

Tây Ban Nha gia nhập EU năm 1986, kinh tế mũi nhọn là khai thác mỏ, chế tạo máy, công nghiệp đóng tầu thủy, nông nghiệp, du lịch. Thu nhập quốc dân theo đầu người của Tây Ban Nha đạt 19.500 USD năm 2003. Tây Ban Nha lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 23/5/1977.

Từ năm 1990 Tây Ban Nha tích cực ủng hộ Việt Nam trong việc bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tín dụng quốc tế và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU. Quan hệ thương mại, đầu tư của Tây Ban Nha với Việt Nam hiện còn ở mức thấp với kim ngạch thương mại hai chiều dưới 1 tỷ USD.

Trong khi đó, quan hệ về văn hóa, giáo dục giữa hai nước tương đối tốt với việc Tây Ban Nha cung cấp học bổng cho học sinh Việt Nam học đồng thời tổ chức dạy tiếng Tây  Ban Nha trên truyền hình Việt Nam.

Vua Tây Ban Nha có tên đầy đủ là Juan Carlos de Borbon y Borbon sinh 1938 tại Rome (Italy) nơi Hoàng gia Tây Ban Nha lánh nạn sau khi nền cộng hòa nước này thành lập năm 1931.

Năm lên 10 tuổi, Vua cha Don Juan đưa Juan Carlos lần đầu tiên về thăm Tây Ban Nha, sau đó gửi ông sang học tại trường San Isidro ở Madrid.

Trước khi lên làm Vua, ông Juan Carlos đã được đào tạo tại các học viện quân sự về hải, lục, không quân, nghiên cứu luật hiến pháp và luật quốc tế tại trường Đại học Complutense Madrid.

Năm 1962 Hoàng tử Juan Carlos kết hôn cùng Công chúa Hy Lạp Sofia de Grecia y Hannover, con gái đầu lòng của Vua Hy Lạp Paul 1 và Hoàng hậu Federika.

Công chúa Sofia cũng sinh năm 1938, tại Thủ đô Athens của Hy Lạp. Trong thời gian thế chiến II, Công chúa Sofia cùng gia đình phải đi sống lưu vong tại Ai Cập và Nam Phi.

Năm 1946, bà Sofia trở về Hy Lạp học tại trường đại học y khoa chuyên ngành phụ khoa, và theo học tiếp các trường đại học âm nhạc, khảo cổ học.

Hoàng hậu Sofia yêu âm nhạc, ham thích hoạt động từ thiện. Hoàng hậu Sofia đã lập nên Quĩ Sofia để giúp đỡ người tàn tật, người nghiện ma tuý.

Vua Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia sinh hạ được 3 người con theo thứ tự gồm Công chúa Infanta Elena, Công chúa Infanta Cristina, và Hoàng tử Felipe.

MỚI - NÓNG