WHO: Mỗi tuần có thể thêm 10.000 ca nhiễm Ebola

Nhân viên y tế làm việc tại vùng dịch Ebola ở Liberia. Ảnh: Getty Images
Nhân viên y tế làm việc tại vùng dịch Ebola ở Liberia. Ảnh: Getty Images
TP - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo, số ca nhiễm mới mỗi tuần có thể tăng tới 10.000 người trong vòng hai tháng tới với tỷ lệ tử vong tới 70%, báo Anh Daily Mail ngày 15/10 đưa tin.

Thông tin trên do Trợ lý Tổng thư ký WHO Bruce Aylward đưa ra trong một cuộc họp báo. Ông Aylward nhận định, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao và WHO vẫn tập trung nỗ lực vào việc cách ly người nhiễm bệnh, đồng thời hỗ trợ điều trị sớm nhất có thể. Bác sĩ Aylward nhấn mạnh, nếu không nỗ lực đối phó cuộc khủng hoảng Ebola trong vòng 60 ngày tới, rất nhiều người sẽ chết.

Ông Aylward cho biết, 4 tuần qua có khoảng 1.000 ca nhiễm Ebola mới mỗi tuần. Mục tiêu WHO nhắm đến là cách ly được 70% trường hợp nhiễm bệnh trong vòng 2 tháng tới. Theo WHO, số ca tử vong vì Ebola đã tăng lên 4.447 người, hầu hết tại Tây Phi và số ca nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm lên tới 8.914 người. Sierra Leone, Guinea và Liberia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Aylward nói WHO hết sức lo ngại thực trạng Ebola vẫn tiếp tục lây lan tại 3 thành phố thủ đô gồm Freetown, Conakry và Monrovia. Tuy nhiên, ông lưu ý, tại một số khu vực, bệnh dịch có xu hướng thuyên giảm.

Ông Aylward cho hay, WHO sẽ vẫn tập trung nỗ lực điều trị bệnh nhân Ebola, trong bối cảnh hệ thống y tế tại Tây Phi sụp đổ vì nhu cầu điều trị tăng cao.

“Thật kinh khủng khi phải nói rằng, chúng tôi chỉ tới đó để cách ly người bệnh”, ông nói. Những biện pháp mới như trao dụng cụ bảo vệ cho các gia đình hoặc lập các cơ sở lâm sàng cơ bản (không điều trị nhiều) đang là một ưu tiên của WHO.

Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết, họ có 16 nhân viên nhiễm Ebola và 9 người trong số đó đã tử vong. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nam Phi, lãnh đạo Bác sĩ Không biên giới tại Nam Phi Sharon Ekambaram cho hay, các nhân viên y tế không nhận được sự hỗ trợ thích đáng từ cộng đồng quốc tế. Bà Ekambaram nói họ không thể cải thiện được tình hình tại các nước có dịch Ebola hoành hành nếu không được giúp đỡ.

Bác sĩ Juli Switala (đang làm việc cho một tổ chức cứu trợ quốc tế vừa trở về từ Sierra Leone) nói rằng, số người chết vì Ebola rõ ràng được thống kê chưa đầy đủ, bởi lẽ nhiều gia đình che giấu người nhà nhiễm bệnh và họ chết dần chết mòn.

Mỹ thêm ca nhiễm Ebola

Giám đốc Hiệp hội Y tá Quốc gia Mỹ Rose Ann DeMoro vừa chỉ trích phản ứng của các bệnh viện Mỹ trước cuộc khủng hoảng Ebola. Bà DeMoro cho rằng, những nguyên tắc an toàn do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đặt ra đã không được bệnh viện Dallas tuân thủ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Eric Duncan - người đầu tiên tử vong vì Ebola tại Mỹ hồi tuần trước.

“Các y tá của chúng tôi đã không được bảo vệ, họ cũng không được chuẩn bị để đối phó Ebola hay bất kỳ đại dịch nào khác. Quy trình an toàn không được thiết lập tại Dallas, cũng như bất cứ nơi nào ở Mỹ”, bà DeMoro nói.

CDC cho biết sẽ tăng cường huấn luyện các nhân viên y tế, tập trung vào thiết bị bảo hộ cá nhân cho y tá, sau khi giới chức Mỹ xác nhận nữ y tá người Mỹ gốc Việt Nina Pham làm việc tại bệnh viện Dallas bị lây nhiễm, sau khi chăm sóc bệnh nhân Duncan. Cơ quan này cũng phái một nhóm chuyên gia tới giúp Dallas và một nhóm 16 người khác giám sát các y tá từng tiếp xúc Duncan.

Ngoài Nina Pham, còn 76 người khác tham gia quá trình điều trị Duncan. Giám đốc CDC Thomas Frieden ngày 14/10 thừa nhận, có gì đó sai sót “rõ ràng” trong trường hợp này và cho biết quy trình điều trị Ebola đã được cải thiện sau vụ việc.

Ngày 15/10, cơ quan y tế bang Texas thông báo, nhân viên y tế thứ hai của bệnh viện Dallas từng chăm sóc bệnh nhân Duncan có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Ebola. Người này bị phát hiện sốt hôm 14/10 và ngay lập tức bị cách ly tại bệnh viện.

Y tá mặc đồ bảo hộ không phù hợp

Theo đơn khiếu nại của nhiều y tá bệnh viện Dallas, họ sử dụng đồ bảo hộ không phù hợp khi tiếp xúc Duncan. Khi Duncan sốt, tiêu chảy, nôn mửa, họ phải dùng băng y tế để che phần hở trên trang phục mỏng manh của mình.

Thời gian đầu, khi Duncan chưa được xác nhận nhiễm Ebola, họ không dùng bao phủ giày. Vài ngày sau, các y tá mới mặc áo choàng bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, găng tay nhiều lớp.

Theo AP, Daily Mail
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.