WHO nghiên cứu khả năng COVID-19 lây qua không khí, chuyên gia nói gì?

Ảnh minh họa: AP
Ảnh minh họa: AP
TPO - Hơn 7 tháng sau khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện, giới khoa học vẫn đang tìm cách để hiểu rõ hơn về cách thức lây lan, cũng như cách kiểm soát virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19.

Không chỉ lây qua giọt bắn?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus SARS-CoV-2 lây lan từ người sang người chủ yếu qua tiếp xúc với các giọt bắn (droplet) từ mũi và miệng của những người nhiễm bệnh.

Nhưng mới đây, đại diện WHO cho biết tổ chức này đang thảo luận thêm về khả năng COVID-19 lây nhiễm qua không khí (airborne) và lây nhiễm qua hạt khí dung (aerosol).

Hạt khí dung có kích thước nhỏ hơn, nhẹ hơn giọt bắn nên không rơi xuống mà lơ lửng trong không khí lâu hơn và có thể truyền đi xa hơn giọt bắn.

Theo Al Jazeera, giọt bắn có đường kính từ 5 đến 10 micromet, với phạm vi phơi nhiễm là từ 1 đến 2m.

Trong khi đó, hạt khí dung có đường kính nhỏ hơn 5 micromet, và có thể di chuyển tới vị trí cách xa người bệnh hơn 2m.

“Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong cả giọt bắn và hạt khí dung trong khoảng thời gian tối đa là 3 giờ (với điều kiện phòng thí nghiệm). Ở môi trường thực tế, thời gian tồn tại của virus còn phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm, tia cực tím và thậm chí là sự hiện diện của các loại hạt khác trong không khí”, Stephanie Dancer, chuyên gia tư vấn y tế, nhà vi sinh học người Anh, nói với Al Jazeera.

“Hạt khí dung có thể di chuyển tới 6m trong môi trường kín, và thậm chí có thể xa hơn nếu có các luồng khí động. Khoảng cách di chuyển phụ thuộc vào độ lớn của hạt khí dung.”

COVID-19 lây truyền qua không khí như thế nào?

Giống với giọt bắn, hạt khí dung có thể được phát tán ra ngoài môi trường từ người bệnh bằng nhiều cách bao gồm thở, nói, cười, hắt hơi, ho, hát, la hét…

“Việc hít thở không làm hạt khí dung bị bắn xa, nhưng việc la hét, hát, ho và hắt hơi sẽ khiến hạt này bị bắn ra với các vận tốc khác nhau”, Dancer nói.

“Một hạt khí dung riêng lẻ có thể không chứa đủ virus để gây bệnh. Nhưng nếu bạn tiếp tục hít phải những hạt này theo thời gian, thì số virus trong miệng, mũi và đường hô hấp của bạn sẽ tích tụ dần đủ để khiến bạn mắc bệnh.”

Việc lây truyền virus qua hạt khí dung cũng có thể xảy ra khi nhân viên y tế tiến hành một số thủ thuật trên cơ thể bệnh nhân.

Khả năng lây lan virus qua hạt khí dung có cao không?

Trái ngược với việc lây lan qua giọt bắn, khả năng lây lan COVID-19 qua hạt khí dung hiện vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Theo nhóm 239 chuyên gia vừa gửi thư cho WHO, COVID-19 có nguy cơ lây lan trong không khí, đặc biệt là trong môi trường kín gió, đông người và không có hệ thống thông khí.

Chuyên gia Dancer cho biết bạn ở càng xa nguồn bệnh thì khả năng lây virus càng thấp.

Để bảo vệ mình, các chuyên gia khuyên mọi người nên đeo khẩu trang đúng cách và duy trì khoảng cách an toàn với người khác.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên tránh nơi đông người, đặc biệt là những nơi có không gian kín.

Ở những môi trường kín như trường học, văn phòng, bệnh viện, nên tăng cường sự lưu thông của không khí trong nhà với ngoài trời bằng cách mở cửa sổ.

Theo Theo Al Jazeera
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.