WHO: Virus cúm lợn đã có mặt tại ít nhất 16 nước

WHO: Virus cúm lợn đã có mặt tại ít nhất 16 nước
Số bệnh nhân tử vong và nhiễm virus cúm lợn (H1N1) trên thế giới vẫn liên tục gia tăng kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố số liệu những nạn nhân đầu tiên của loại virus này tại Mê-hi-cô và Mỹ hôm 24/4.
Đề cập đến nguồn gốc chủng virus gây chết người này, ngày 28/4, Bộ trưởng Y tế In-đô-nê-xi-a Siti Fadilah Supari nói rằng virus cúm lợn có thể do con người tạo ra.

Theo số liệu thống kê của WHO, chính phủ các nước trên thế giới, các trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, tính đến thời điểm này đã có ít nhất 16 quốc gia trên thế giới có bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm cúm lợn, trong đó có cả ở châu Âu và châu Á.

Riêng tại Mê-hi-cô, nước khởi nguồn của chủng virus gây chết người này, số bệnh nhân tử vong do các triệu chứng liên quan đến cúm đã lên tới 152 người, trong đó 20 người được khẳng định là nhiễm virus H1N1 và gần 2.000 trường hợp nghi nhiễm virus đang được theo dõi điều trị.

Tại Mỹ, nước láng giềng Mê-hi-cô, số bệnh nhân bị khẳng định nhiễm vi-rút cúm lợn cũng đã lên tới 50, trong đó 28 trường hợp nhiễm bệnh tại một trường học ở thành phố Niu Y-oóc. Tại Ca-na-đa được xác định là 6 ca nhiễm virus; còn tại Ô-xtrây-li-a là 70 trường hợp nghi nhiễm.

Tại Xcốt-len có 2 trường hợp nhiễm và 7 trường hợp nghi nhiễm; tại Niu Di-lân có 3 trường hợp được xác định nhiễm và 10 trường hợp nghi nhiễm; tại Tây Ban Nha 2 trường hợp nhiễm và 17 trường hợp nghi nhiễm; hàng loạt nước châu Âu khác như Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Ai-xơ-len, CH Séc, Anh và Pháp đều công bố các trường hợp nghi nhiễm.

Tại các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, I-xra-en cũng đã có thông báo về các ca nhiễm và nghi nhiễm virus cúm lợn. Trường hợp mới nhất vừa được công bố là một phụ nữ Thái Lan, 42 tuổi, bị nghi nhiễm virus cúm lợn và đang được cách ly tại Bệnh viện Chulalongkorn. Đây được coi là trường hợp nghi nhiễm cúm lợn đầu tiên tại Đông Nam Á.

Các nhà chức trách cho biết hầu hết số bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm cúm lợn trên thế giới đều từ Mê-hi-cô, Ca-na-đa hoặc Mỹ trở về.

Trước tình trạng dịch cúm lợn lây lan, có nguy cơ trở thành đại dịch, WHO kêu gọi các nước trên thế giới giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch, đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu khả năng lây nhiễm.

Ngày 27/4, WHO chính thức báo động cúm lợn có thể trở thành dịch bệnh trong cộng đồng và quyết định nâng báo động đối với dịch cúm toàn cầu lên mức 4, trong thang 6 mức báo động.

Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ tổ chức khẩn cấp hội nghị bộ trưởng y tế của khối vào ngày 30/4 tới để bàn cách ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của dịch cúm lợn.

Phát biểu trước báo giới, Phó Thủ tướng CH Séc Alexandr Vondra - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - cho biết hội nghị này có mục đích đánh giá nguy cơ bùng phát dịch cúm lợn tại châu lục và phối hợp nỗ lực của các thành viên EU phòng chống dịch bệnh.

Các nước châu Á - Thái Bình Dương ngày 28/4 đã họp tại Phi-líp-pin nhằm thảo luận về biện pháp phòng ngừa dịch cúm lợn. Các bộ trưởng giao thông vận tải của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tuyên bố sẽ hợp tác với các bộ trưởng y tế để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm liên quan đến sự di chuyển của các phương tiện giao thông.

Bộ trưởng Y tế Ô-xtrây-li-a, bà Nicola Roxon, cho biết hiện các kho dự trữ của nước này đang bảo quản 8,7 triệu liều Tamiflu và Relenza, những loại thuốc được coi là hiệu quả trong việc điều trị bệnh cúm, đủ để đối phó nếu dịch bệnh cúm lợn bùng phát.

Đề cập đến nguồn gốc chủng virus gây chết người này, ngày 28/4, Bộ trưởng Y tế In-đô-nê-xi-a Siti Fadilah Supari nói rằng virus cúm lợn có thể do con người tạo ra. Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo kêu gọi trấn an công chúng trước nguy cơ dịch cúm bùng phát thành đại dịch, bà Supari nói: "Tôi không chắc liệu virus này có được tạo ra bằng công nghệ di truyền gien hay không, nhưng điều này hoàn toàn có thể".

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG