Wikipedia 'tắt điện' phản đối dự luật chống sao chép

Wikipedia 'tắt điện' phản đối dự luật chống sao chép
TP - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có kế hoạch đóng cửa phiên bản tiếng Anh trong 24 giờ để phản đối hai dự luật chống sao chép trái phép của Mỹ.

Những người sáng lập trang web và các tình nguyện viên viết bài cho bách khoa toàn thư mở lớn nhất thế giới quyết định tạm dừng trang web bằng tiếng Anh từ 0g ngày 17-1 đến 0g ngày 18-1 (giờ phương Tây) để phản đối Đạo luật ngăn chặn sao chép trái phép trực tuyến (Sopa) và Đạo luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Pipa) đang được Quốc hội Mỹ xem xét.

“Những đạo luật này quá rộng và được soạn một cách tồi tệ đến mức chúng sẽ tác động đến mọi thứ, thậm chí chẳng liên quan gì tới việc ngăn chặn sao chép trái phép”, Jimmy Wales, người sáng lập Wikipedia, nói.

Wikipedia nói rằng, các quản trị viên của trang web bằng tiếng Anh quyết định biểu tình quần chúng đầu tiên vì những đạo luật trên “sẽ phá hỏng hệ thống web cởi mở và miễn phí”.

Những công ty công nghệ khác như Google, Facebook, Yahoo, eBay, AOL… và một số doanh nghiệp liên quan cũng phản đối hai dự luật vì cho rằng chúng đe dọa sự sống còn của ngành công nghiệp. Một số cộng đồng trực tuyến như Reddit và Boing Boing thông báo sẽ cùng tham gia tắt đèn.

Tuy nhiên, Twitter từ chối tham gia vào phong trào. “Đóng cửa một doanh nghiệp quy mô toàn cầu chỉ để phản ứng lại hành động chính trị của một quốc qua thì thật là dại dột,” Dick Costolo, Tổng Giám đốc điều hành của Twitter, nói.

Dự luật chống sao chép bất hợp pháp đang được nhiều người ủng hộ, trong đó có trùm truyền thông Rupert Murdoch, Chủ tịch và Tổng Giám đốc điều hành của News Corporation, và nhiều người thuộc ngành công nghiệp phim ảnh, âm nhạc.

Những người ủng hộ Sopa ở Hạ viện Mỹ nói rằng đạo luật này được thiết kế để ngăn chặn nguồn thu chảy vào các trang web lừa đảo, gian lận… Còn Pipa đã được Hạ viện thông qua và đang được Thượng viện Mỹ xem xét.

Cuối tuần trước, Nhà Trắng đưa ra một thông báo có vẻ ủng hộ những người chỉ trích đạo luật. Thông báo nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng việc sao chép trái phép trên mạng của các trang web nước ngoài là một vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi phải có phản ứng pháp lý nghiêm túc.

Nhưng chúng tôi sẽ không ủng hộ luật nào làm giảm quyền tự do thể hiện, làm tăng nguy cơ phá vỡ an ninh mạng, hay làm suy giảm hệ thống internet năng động và luôn đổi mới trên toàn cầu”.

Vài tháng trước, cộng đồng Wikipedia Ý tạm dừng trang web Wikipedia bằng tiếng Ý trong thời gian ngắn để phản đối luật xâm phạm sự độc lập trong biên tập. Ngay lập tức, Nghị viện Ý phải lùi bước.

Wikipedia là một trong những trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới, với hàng triệu lượt người đọc mỗi ngày.

Gia Tùng  tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG