World Cup 2006 và những kỷ lục... tài chính!

World Cup 2006 và những kỷ lục... tài chính!
Quỹ giải thưởng cho World Cup lần này có tổng cộng 215 triệu euro, tức là nhiều hơn 38% so với vòng chung kết trước đó tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cúp vô địch bóng đá thế giới là “chiến lợi phẩm” mong đợi nhất của bất kỳ một đội bóng nào. Các cầu thủ cũng như huấn luyện viên được động viên trong những cuộc tranh tài tại World Cup không chỉ bởi cơ hội được chụp ảnh với chiếc cúp vàng nặng gần 5 kilogram của FIFA trên tay, mà còn bằng những khoản tiền thưởng hậu hĩnh nếu giành chiến thắng.

Những kích thích về mặt vật chất

Quỹ giải thưởng cho World Cup lần này có tổng cộng 215 triệu euro, tức là nhiều hơn 38% so với vòng chung kết trước đó tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Con số này cũng phản ánh mối quan tâm về tài chính ngày càng tăng của các tập đoàn tài trợ liên quốc gia trong quan hệ cộng tác với FIFA.

Theo quy định cụ thể, đội tuyển giành chiến thắng trong trận chung kết tại Berlin sẽ nhận được 15,6 triệu euro, còn đội á quân được nhận 14,6 triệu euro. Trong khi đó, tất cả 16 đội lọt vào vòng hai cũng hoàn toàn có thể hài lòng với khoản tiền 3,9 triệu euro cho mỗi suất.

Tất nhiên, những khoản tiền thưởng trên của FIFA không được chia ngay cho các cầu thủ, mà nó được trao cho liên đoàn bóng đá quốc gia sau khi World Cup kết thúc.

Thông thường, khoản tiền này được chia làm đôi: 50% dùng để chia thưởng cho các cầu thủ, huấn luyện viên, quản lý viên, bác sĩ, nhân viên phục vụ... Tóm lại là tất cả những người đã có đóng góp vào thành công của đội bóng. Nửa số tiền còn lại thường được chi cho việc phát triển bóng đá trong nước: hỗ trợ cho các trường huấn luyện bóng đá, các đội bóng trẻ...

Vé xem World Cup - dù cao nhưng không dễ mua

Các nhà tổ chức World Cup lần này dự tính, doanh thu từ tiền bán vé vào sân vận động ước tính gần 200 triệu euro. Chưa nói tới các cổ động viên nước ngoài, mỗi người dân Đức đều rất mong muốn ít nhất có một lần trực tiếp được chứng kiến các trận đấu tại World Cup ngay từ trên khán đài.

Nhưng trên thực tế, việc mua vé không phải là chuyện đơn giản, dù giá không hề rẻ.

Ban tổ chức đã bán ra khoảng 3 triệu 70 ngàn tấm vé. 1/3 số vé đã được bán qua Internet, trong khi việc phân phối 2/3 số vé còn lại không được tiết lộ. Tình trạng cung không đủ cầu này đã đội giá vé ngoài chợ đen lên rất nhiều lần.

Thực tế này đã dẫn tới một vụ bê bối, sau khi một quan chức trong ban chấp hành FIFA đã bán ra ngoài 12 tấm vé của mình với giá 300 euro (trong khi mệnh giá thực tế chỉ là 100 euro). Hậu quả là sau khi mọi chuyện được phanh phui, quan chức này đã bị FIFA cách chức ngay lập tức.

Giành cúp thế giới về quảng cáo

Theo thông báo của FIFA, trận chung kết World Cup 2002 giữa Đức và Brazil đã có gần một tỉ khán giả truyền hình xem trực tiếp. Còn tại vòng chung kết lần này, số khán giả truyền hình sẽ còn cao hơn nữa – ước tính toàn bộ giải có hơn 30 tỉ lượt người xem.

Bắt đầu từ năm 1998, các vấn đề truyền hình tại World Cup được giao cho Công ty HBS (Host Broadcast Services) dưới sự điều hành của Giám đốc Francis Teller.

Quan chức này cho biết, World Cup trước đó đã có tổng cộng khoảng 41.100 giờ truyền hình trực tiếp – không chỉ là thời gian truyền trực tiếp các trận đấu, mà còn là thời gian dành cho các chương trình bình luận được khán giả ưa thích.

Văn phòng của Teller hiện chưa thể nêu rõ con số thống kê số giờ truyền hình của World Cup lần này, nhưng theo họ chắc chắn sẽ phá vỡ những con số kỷ lục trước đây. Cần biết là chỉ riêng tiền bán bản quyền truyền hình tại World Cup lần này, FIFA đã có được hơn 1 tỉ euro.

Còn rất nhiều kỷ lục tài chính đáng nói khác có thể kể ra. Kênh truyền hình số 1 của Đức đã ra giá 320 ngàn euro cho mỗi 30 giây quảng cáo được phát trong trận đấu vòng tứ kết của đội chủ nhà – một mức giá kỷ lục trong lịch sử quảng cáo của Đức.

Còn tại kênh truyền hình công cộng số 2, giá quảng cáo trong các trận thuộc vòng đấu bảng đã là 69 ngàn euro. Trong khi thông thường, giá quảng cáo trên kênh này chỉ vào khoảng 7.000 euro.

Hiệu quả của việc tham gia “sân cỏ tài chính” của World Cup đối với nhiều nhà kinh doanh thường là vượt quá cả sự mong đợi.

Như Hãng Adidas cung cấp trái bóng chính thức nhãn hiệu “Teamgeist” cho World Cup hiện ước tính sẽ bán được không dưới 15 triệu trái bóng (trước đó dự tính chỉ là 10 triệu).

Dù hãng này không công bố số tiền lời cụ thể, nhưng các tính toán cho thấy họ sẽ bỏ túi không dưới 750 triệu euro. Đó cũng là lý do khiến các hãng tài trợ chính từ lâu đã xếp hàng để có được trong danh sách đối tác của FIFA.

Theo Đinh Linh
ANTG

MỚI - NÓNG