Xã hội đen trong quân đội Mỹ

Xã hội đen trong quân đội Mỹ
Một số quân nhân Mỹ, là thành viên của các băng đảng xã hội đen, trở về từ Iraq đã gây trọng án ở quê nhà. Vấn nạn xã hội đen thâm nhập quân đội Mỹ đang khiến nhà chức trách đau đầu.
Xã hội đen trong quân đội Mỹ ảnh 1
Hình vẽ xã hội đen trên xe thiết giáp Mỹ ở Iraq

Mục đích cho đệ tử thâm nhập quân đội để được rèn luyện kỹ chiến thuật chiến đấu tại Iraq và trở thành những “sát thủ” chuyên nghiệp là một điều gần như hiển nhiên.

Trường hợp sau đây của binh nhất thủy quân lục chiến Andres Raya, 19 tuổi, là một ví dụ mới nhất mang tính điển hình.

Thạo chiến trên đường phố

Ngày 9-1-2005, cảnh sát thị trấn Ceres, bang California, đụng độ với Raya ở bên ngoài một quán rượu trong một vụ án liên quan đến ma túy. Raya từng trải qua 7 tháng trên chiến trường Iraq trước khi trở về doanh trại Pendleton gần thành phố San Diego.

Cuộc chạm súng diễn ra quyết liệt. Raya dày dạn kinh nghiệm chiến đấu trên đường phố đã bắn chết 1 cảnh sát viên và làm bị thương 1 cảnh sát viên khác trước khi bị bắn chết.

Cuộc điều tra sau đó cho biết Raya là thành viên của băng Norteno. Khám nhà riêng của hắn, cảnh sát tìm thấy trong két sắt ảnh chụp Raya mặc quần áo màu đỏ đặc trưng của băng Norteno và dùng tay ra ám hiệu riêng của băng.

Trong một vụ án khác, 1 quân nhân ở doanh trại Fort Bragg bị bắt vì dính líu đến một vụ cướp tiệm bán hàng có hung khí ở thị trấn Fayetteville, bang Bắc Carolina, hồi tháng 11 năm ngoái. Trong vụ này, chủ tiệm - một người Hàn Quốc - bị đâm chết. Quân nhân vừa kể là một thành viên của băng Insane Gangster Crips.

Hunter Glass, cựu chiến binh không quân ở Fort Bragg nay là cảnh sát điều tra ở Fayetteville, cho biết ở Fort Bragg có hàng trăm lính là thành viên của các băng xã hội đen.

Lính Mỹ gốc xã hội đen hồi hương còn làm một “nghĩa vụ” khác cho băng đảng của mình: cung cấp quân trang quân dụng. Báo Chicago Suntimes dẫn nguồn tin nhà chức trách địa phương cho biết gần đây cảnh sát Chicago đã bắt được một vụ chuyên chở trái phép 10 áo giáp chống đạn.

Kẻ chở hàng cấm này - một tên xã hội đen - khai hàng này do người anh trai làm lính thủy đánh bộ gửi về. Tại vùng Seattle, cảnh sát cũng bắt được một vụ vận chuyển áo giáp chống đạn tình nghi ăn cắp từ kho quân nhu doanh trại Fort Lewis.

Scott Barfield, thám tử của Bộ Quốc phòng Mỹ chuyên trách các băng đảng, cho biết thêm bọn lính gốc xã hội đen không chỉ cung cấp cho băng mình quân trang quân dụng mà còn tổ chức buôn lậu ma túy, vũ khí và các hoạt động tội phạm chung quanh doanh trại của mình.

Trên mười năm tuổi

Chuyện các băng đảng cắm quân vào quân đội không phải là một hiện tượng mới mẻ gì. Trang web Streetgangs.com năm 1995 cho biết trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, người ta đã chụp được ảnh nhiều lính Mỹ gốc xã hội đen ra ám hiệu cho nhau.

Ba băng đảng khét tiếng nhất ở Los Angeles và Chicago lúc bấy giờ là Crips, The Bloods và Folk Gangster đã “cắm quân” của mình vào 4 binh chủng quân đội Mỹ và có mặt ở trên 50 căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ.

Tuần báo Newsweek lúc bấy giờ cho biết từ đầu thập niên 1990, tư lệnh các binh chủng Mỹ đã ra chỉ thị ngầm theo dõi và giám sát ảnh hưởng của các băng đảng trong binh chủng của mình mặc dù danh chính ngôn thuận họ chưa bao giờ xác nhận “có vấn đề xã hội đen”.

Ví dụ, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương thành lập một hệ thống máy tính ghi nhận và theo dõi những vụ việc liên quan đến các băng đảng.

Lục quân và không quân Mỹ cũng phát hành những cẩm nang cảnh báo sự gia tăng các hành vi bạo lực mang tính băng đảng và liệt kê các ám hiệu của từng băng đảng để các điều tra viên tham khảo trong quá trình điều tra.

Điều đáng nói là mặc dù có những nỗ lực kể trên, bây giờ vấn nạn xã hội đen thâm nhập quân đội không những không giảm mà còn có vẻ trầm trọng hơn.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG