Xác minh việc người Việt phải xin visa Thái Lan

Du khách Việt Nam sang Thái Lan thăm thú, mua sắm tại Thái Lan trong thời gian không quá 30 ngày không cần thị thực nhập cảnh. Ảnh: Như Ý
Du khách Việt Nam sang Thái Lan thăm thú, mua sắm tại Thái Lan trong thời gian không quá 30 ngày không cần thị thực nhập cảnh. Ảnh: Như Ý
TP - Trước thông tin Thái Lan có thể tăng cường ngăn chặn lao động bất hợp pháp bằng biện pháp yêu cầu công dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam, phải có visa khi nhập cảnh bằng đường bộ, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao hôm qua làm việc với Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội để xác minh.

Đó là thông tin mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết trong buổi họp báo thường kỳ chiều 14/8.

Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam vừa cho biết Cục Quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan đang đề xuất giải pháp kiểm soát tình trạng trốn làm thị thực đối với những người lợi dụng chính sách miễn thị thực để lao động bất hợp pháp, áp dụng cho 71 nước, trong đó có Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài muốn nhập cảnh theo đường bộ vào Thái Lan phải có visa. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Theo hiệp định miễn thị thực cho công dân Việt Nam và công dân Thái Lan mang hộ chiếu phổ thông được ký giữa hai nước vào năm 2000, công dân mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông được nhập cảnh và lưu trú miễn thị thực trong khoảng thời gian không quá 30 ngày.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin này. Như tôi được biết ngay trong chiều nay (14/8), đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam có làm việc với Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội để xác minh thông tin.

Về công tác đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước, số lao động đang quá cảnh tại một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Algeria khi nào sẽ được đưa về nước?

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, những lao động Việt Nam cuối cùng tại các khu vực xảy ra chiến sự đã di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tính đến hết ngày 13/8, đã có 907 lao động Việt Nam về nước và 294 lao động đã rời Libya sang các nước láng giềng như Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập.

Liên tục trong những ngày qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, Đức, Qatar, Malaysia, Ai Cập, Algeria khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại thu xếp cho lao động Việt Nam quá cảnh tại các nước này và có các biện pháp cần thiết hỗ trợ lao động Việt Nam về nước. 

Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB-XH, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước liên quan, các công ty phái cử và sử dụng lao động đang tiếp tục theo dõi sát tình hình, liên lạc chặt chẽ với các lao động Việt Nam, đồng thời khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại hỗ trợ tối đa các lao động Việt Nam rời Libya về nước.

Dù có nhiều khó khăn nhưng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang cố gắng hết sức mình để đưa toàn bộ lao động tại Libya về nước. Công việc này không chỉ liên quan đến Việt Nam và Libya mà còn liên quan đến nước mà lao động quá cảnh.

Sách về “đường lưỡi bò” vô giá trị

Phản ứng của Bộ Ngoại giao như thế nào trước việc Trung Quốc vừa xuất bản cuốn sách về “đường lưỡi bò” phi pháp?

Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên là bất hợp pháp và vô giá trị, không thể thay đổi thực tế nêu trên.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 vừa qua, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng, không có tranh chấp trên biển Đông. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến khó khăn cho việc sớm hoàn tất ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Xin ông cho biết bình luận của Bộ Ngoại giao về vấn đề này?

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Myanmar vừa qua, các bộ trưởng bày tỏ đặc biệt quan tâm và bày tỏ quan ngại sâu sắc đến căng thẳng trên biển Đông và nhấn mạnh yêu cầu không để tái diễn các vấn đề tương tự.

Các hội nghị cũng nhấn mạnh về việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, cũng như yêu cầu các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông và thương lượng thực chất để sớm tiến tới COC. ASEAN cùng các đối tác của mình sẽ tích cực triển khai các kết quả đạt được trong các hội nghị vừa rồi.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đang có chuyến thăm Việt Nam, và dự kiến từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Hải quân Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Việt Nam. Đề nghị người phát ngôn cho biết Việt Nam và Mỹ có kế hoạch hợp tác gì trong lĩnh vực quốc phòng?

Các hoạt động trao đổi đoàn như trên là bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ được xác lập vào tháng 7/2013.

Báo chí phương Tây gần đây trích lời một quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng, Mỹ sẽ giám sát tình hình biển Đông xem các hành động xuống thang có được thực hiện hay không. Xin ông cho biết quan điểm của Việt Nam?

Việt Nam hoan nghênh mọi sự đóng góp tích cực và có tính xây dựng của các quốc gia trong và ngoài khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải ở biển Đông.

Thái Lan xác nhận chính sách nhập cảnh mới 

Cục Lãnh sự hôm qua thông báo, trong cuộc gặp chiều 14/8, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội khẳng định, công dân Việt Nam nhập cảnh Thái Lan với các mục đích khác nhau như du lịch, thăm thân, hội thảo, hội nghị, đầu tư, kinh doanh… được miễn thị thực với thời hạn lưu trú là 30 ngày. 

Theo thông báo của Chính phủ Thái Lan, từ ngày 12/8, Thái Lan sẽ áp dụng chính sách mới nhằm hạn chế những người lợi dụng chính sách miễn thị thực của Thái Lan để lưu trú liên tục (xuất cảnh khi hết thời hạn lưu trú miễn thị thực và ngay lập tức nhập cảnh trở lại Thái Lan) và lao động bất hợp pháp tại Thái Lan.

MỚI - NÓNG