Các bộ trưởng ASEAN:
Xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế là trái luật quốc tế
TPO - Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự, vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc

Ngày 10/5 tại Myanmar, các bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự việc phức tạp hiện nay ở biển Đông, các hành động xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là trái với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 của LHQ và Tuyên bố DOC, đã làm gia tăng căng thẳng và phương hại hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã dành phần lớn thời gian thảo luận tình hình hiện nay ở biển Đông. Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Phạm Bình Minh thông báo về tình hình phức tạp hiện nay ở biển Đông, nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự, vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (phải) và Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ 4, trái) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại thủ đô Nay Pyi Tay của Myanmar hôm 10/5. Ảnh: Xinhua
Các bộ trưởng nhất trí rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, ASEAN cần tăng cường đoàn kết và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình trong việc xử lý các vấn đề quan trọng liên quan hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển ở khu vực, thúc đẩy xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác. ASEAN cần tiếp tục nỗ lực tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, đề cao các chuẩn mực ứng xử chung cũng như phát huy vai trò của các công cụ và cơ chế đảm bảo hoà bình, an ninh ở khu vực, nâng cao năng lực ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có ứng phó, tìm kiếm và cứu nạn.
Trước đó tại cuộc họp báo của LHQ ngày 9/5, Người phát ngôn LHQ Farhan Haq nói: “Tổng Thư ký LHQ đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng trên biển Đông, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam những ngày qua. Tổng Thư ký thúc giục các bên liên quan kiềm chế tối đa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ”.
Ngày 10/5 tại Myanmar diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN. Tại các hội nghị này, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ASEAN cần bảo đảm đoàn kết, phát huy vai trò và đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trước những chuyển biến mới trong cục diện chiến lược ở khu vực và thế giới.
Cùng chuyên mục

Nước nghèo thiếu vắc-xin, nước giàu cũng sẽ thiệt hại

Mỹ: Lừa tiền hỗ trợ COVID-19 để mua xe Bentley, nhà sang ở Las Vegas

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết bảo vệ Nhật ở nơi tranh chấp với Trung Quốc

Trùm ma túy 'đốt' 85 triệu đô/đêm ở sòng bài, vây quanh bởi võ sĩ đấm bốc

Tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông ngay sau khi ông Biden nhậm chức

Cây cầu dài 1.500m ở Trung Quốc bị phá hủy trong tích tắc

Chuyện về tình bạn lâu đời của ông Tập Cận Bình ở Mỹ
