Xét xử cướp biển Somali không dễ

Xét xử cướp biển Somali không dễ
TP - Thực tế cho thấy bắt giữ cướp biển Somali trên vùng biển rộng bằng 3/4 lãnh thổ Mỹ là thách thức lớn, nhưng việc đưa chúng ra tòa và buộc phải chịu trách nhiệm lại càng khó khăn hơn do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.

Một tên cướp biển Somali bị bắt giữ trong chiến dịch giải cứu thuyền trưởng người Mỹ Richard Phillips ngày 12/4/2009, nhưng việc đưa hắn ra tòa án ở nước nào cũng là vấn đề.

Tên cướp biển này có thể bị đưa ra xét xử tại Mỹ hoặc tòa án cướp biển đặc biệt mở tại Kenya, nước láng giềng của Somali ở châu Phi.

Cuối năm 2008, tàu hải quân Đan Mạch bắt gặp thuyền chở đầy người Somali bị hết xăng có mang theo nhiều súng AK-47 và khẳng định đây là cướp biển.

Tuy nhiên, hải quân Đan Mạch cho rằng họ không có cơ sở pháp lý để bắt giữ và không thể chứng minh nhóm người mang theo súng trên là cướp biển. Hải quân Đan Mạch sau đó đã phải để nhóm người bị tình nghi là cướp biển ra đi.

Hiện ở Paris (Pháp) đang cố gắng kết tội một số tên cướp biển Somali, nhưng chúng lại biện hộ việc mang theo vũ khí chỉ để tự vệ...Các chuyên gia cũng nói rằng trong tình hình hỗn loạn ở Somali, nhiều dân thường cũng mang theo súng.

“Vấn đề thực sự là phải tạo ra bộ khung pháp lý quốc tế, cơ chế hợp tác để có thể đưa những tên cướp biển này ra tòa, nơi chúng phải chịu trách nhiệm về việc đã làm”, Đô đốc Thad Allen, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, phát biểu.

Một số chuyên gia tư pháp ở Mỹ và châu Âu hi vọng hệ thống tòa án ở Kenya có thể đáp ứng lời kêu gọi trên với mô hình của một tòa án quốc tế kiểu Hague dành riêng cho tội phạm cướp biển.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã ký bản ghi nhớ về vấn đề trên với Kenya trong những tháng gần đây. Các hành động pháp lý tiền xử án đã được triển khai ở Kenya nhằm chống lại vài tên cướp biển Somali bị Mỹ và Đức bắt giữ.

Một kẻ tự xưng là đại diện cho cướp biển Somali ngày 15/4 tuyên bố đang tiếp tục tấn công tàu và bắt giữ nhiều con tin hơn để chứng tỏ chúng không lo sợ trước cam kết của Tổng thống Mỹ Brack Obama trong việc ngăn chặn nạn cướp biển.

Mark Ellis, Chủ tịch Hội Luật sư Quốc tế tại Anh Quốc, và nhiều chuyên gia khác cho rằng Kenya là lựa chọn tốt nhất hiện nay. Rashid Abdi, thành viên Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế ở Nairobi (Kenya), nhận định Kenya có tham vọng trở thành trung tâm xét xử để có thêm tiền và danh tiếng, nhưng chính phủ liên minh bị chia rẽ khó có thể gây sức ép mạnh mẽ lên hệ thống tư pháp và nỗi lo sợ bị cướp biển Somali trả thù cũng gây trở ngại.

Trong khi đó, cộng đồng Somali ở Kenya sống tập trung trong khu vực kinh doanh giàu có Eastleigh lại có ảnh hưởng rất lớn. Một số chuyên gia lại cho rằng, hệ thống pháp lý ở Kenya khó đáp ứng tiêu chuẩn mà nhiều nước châu Âu trông chờ trong việc xét xử cướp biển Somali.

Một luật sư quốc tế người Mỹ cho rằng Kenya không thể như tòa án Hague (ở Hà Lan) và còn nói thêm: “Sự thật là chúng ta chưa chuẩn bị cho điều này. Chưa có nghị định thư Kyoto cho cướp biển, cũng chưa có thông lệ quốc tế rõ ràng”.

Thông thường, nếu theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, Somali có thể đưa công dân của họ ra toà khi có hành động đánh cướp ở ngoài khơi.

Tuy nhiên, trên thực tế, Somali lại không tham gia công ước trên nên toà án ở nước này không có chức năng xét xử cướp biển và cũng không có luật chống cướp biển rõ ràng. 

Trong trường hợp Kenya từ chối trọng trách trên, quốc gia có công dân là nạn nhân của cướp biển có thể bắt giữ và đưa thủ phạm ra toà án ở nước họ.Pháp và Hà Lan hiện đang giữ một số tên cướp biển Somalia cũng có ý định này.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng các nước nên tập trung vào việc giúp toà án ở Kenya thành công trong việc xét xử cướp biển Somali để tạo ra tiền lệ pháp lý.

Trong những ngày qua, để trả đũa vụ giải cứu thuyền trưởng người Mỹ, cướp biển Somali đã tấn công, bắt giữ thêm bốn tàu của Ấn Độ, Philippines, Hy Lạp, Jordan cùng 60 người làm con tin.

Ngày 14/4, cướp biển Somali thất bại trong vụ tấn công tàu hàng của Mỹ MV Liberty Sun sau khi bị các thủy thủ chống trả quyết liệt. Tính đến nay, gần 20 quốc gia cử tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi Somali để săn lùng và ngăn chặn cướp biển, nhưng hiệu quả hạn chế.

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2009, cướp biển Somali tấn công 78 tàu, bắt giữ 19 tàu (hiện mới trả tự do cho hai tàu) và bắt hơn 300 người nước ngoài làm con tin.

Kenya ước tính cướp biển Somali kiếm được khoảng 150 triệu USD năm 2008 từ khoản tiền chuộc được trả.

D.H
Theo CSMonitor, AP

MỚI - NÓNG