Xu hướng nông nghiệp thời đại toàn cầu hóa

Xu hướng nông nghiệp thời đại toàn cầu hóa
TP- Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn ở châu Á đang phát triển mạnh công nghệ sinh học để tăng sức cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới.
Xu hướng nông nghiệp thời đại toàn cầu hóa ảnh 1
Sản phẩm công nghệ hữu cơ

Theo các chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ), trong khi các nước châu Âu đã chuyển sang giai đoạn hai của công nghệ sinh học với mục tiêu tăng giá trị và chất lượng cây trái, rau củ quả thì Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước đang phát triển ở Mỹ La tinh mới đang ở giai đoạn bắt đầu.

Giám đốc khu vực châu Á Mattia Prayer Galletti của Quỹ Nông nghiệp và phát triển quốc tế (IFAD) cho biết, trong số các nước đang phát triển đi theo xu hướng này, ấn Độ và Trung Quốc có tiềm năng rất lớn từ trong nước. IFAD có trụ sở tại Rome (Italy) là cơ quan chuyên trách của LHQ về các vấn đề xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, IFAD đang nỗ lực giúp các nước trên thế giới tăng nhanh diện tích canh tác bằng công nghệ sinh học cao không dùng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu.

Đó là những công nghệ lấy hữu cơ làm cơ sở phát triển các phương pháp canh tác tự nhiên và truyền thống.

Thị trường nông sản phương Tây hiện đang có nhu cầu nhiều đối với nông sản sạch, tạo ra cơ hội cho các nước đang phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch sang các thị trường này.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để xác định được sản phẩm nông nghiệp nào được sản xuất theo công nghệ hữu cơ sạch. Quỹ IFAD hiện đang giúp các nước đang phát triển tăng cường hội nhập một cách hài hòa giữa các cơ sở sản xuất tư nhân để cung cấp các dịch vụ về thị trường cho họ.

Theo đó, một tổ chức chuyên môn sẽ cấp giấy xác nhận nông sản được canh tác, quản lý theo công nghệ hữu cơ.

Theo các chuyên gia IFAD thì mục đích đầu tiên của việc tăng cường canh tác bằng công nghệ hữu cơ là nhằm tạo ra nhiều việc làm mới tại các vùng nông thôn. Điều này trực tiếp giúp giảm làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị.   

Phương pháp canh tác bằng công nghệ hữu cơ đang được tổ chức có hiệu quả tại Ấn Độ và Trung Quốc – nơi chiếm gần một nửa số hộ nông dân trên toàn cầu. 

Trên thế giới hiện nay có 26 triệu ha đất nông nghiệp đang được quản lý sản xuất theo công nghệ hữu cơ. Ước tính giá trị nông sản canh tác bằng công nghệ hữu cơ trên toàn cầu năm 2005 đạt gần 30 tỷ USD. Xu hướng này đang tăng rất nhanh.

Riêng tại Trung Quốc, giá trị xuất khẩu nông sản canh tác bằng công nghệ hữu cơ tăng từ mức dưới 1 triệu USD giữa những năm 1990 đến gần 200 triệu USD trong năm 2004.

Hiện nay Trung Quốc mới có hơn 1.000 Cty nông nghiệp và nông trại được cấp giấy xác nhận là sản xuất bằng công nghệ sạch hữu cơ. Còn tại Ấn Độ hiện nay có khoảng 2,5 triệu ha trang trại được cấp giấy chứng nhận sản xuất bằng công nghệ hữu cơ nói trên.

MỚI - NÓNG