Xuất hiện cuộc 'đảo chính' quan hệ Mỹ-Thổ?

Náo loạn trên phố sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Náo loạn trên phố sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
TPO - Sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ đồng minh mới của người Thổ đang xuất hiện và điều đó có thể dẫn tới một cuộc đảo chính trong mối quan hệ Mỹ-Thổ

Toàn cảnh đảo chính 

Tận dụng lúc Tổng thống Erdogan đi công tác nước ngoài, một nhóm binh sĩ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7 đã tiến hành đảo chính tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul nhưng thất bại. Ông Erdogan đã lập tức đáp máy bay trở về Istanbul. 

Có hơn 190 người thiệt mạng trong vụ đảo chính, trong đó có 41 sỹ quan cảnh sát, 2 binh sỹ, 47 dân thường và 104 người được gọi là có 'âm mưu đảo chính', ngoài ra có 1.440 bị thương sau các vụ đụng độ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt khoảng 6.000 người liên quan đến vụ việc trong đó có chỉ huy căn cứ không quân Incirlik. 

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các phe đảo chính nhận được hỗ trợ quan trọng từ các sĩ quan nước này tại căn cứ không quân Incirlik. Căn cứ nằm tại Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, có ít nhất 2.500 quân nhân Mỹ đồn trú và là một trong những cơ sở quan trọng cho chiến dịch không kích IS của liên minh do Mỹ dẫn đầu. 

Xuất hiện cuộc 'đảo chính' quan hệ Mỹ-Thổ? ảnh 1 Tướng Bekir Ercan Van (giữa), chỉ huy căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sendika.

Thổ ám chỉ Mỹ giật dây?

Tổng thống Erdogan tuyên bố về sự can thiệp của Mỹ trong cuộc đảo chính quân sự: “Những kẻ nổi loạn nhận đơn đặt hàng từ Mỹ”, Erdogan một lần nữa buộc tội nhà thuyết giáo Gulen xúi giục nổi loạn theo mệnh lệnh lệnh từ Pennsylvania, một bang của Mỹ.

Ông Erdogan cũng yêu cầu Mỹ dẫn độ Gulen, nhưng Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, Mỹ sẽ đáp ứng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ phải chứng minh được Gulen là lãnh đạo đảo chính…

Và tình hình gay gắt hơn khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binaila Yildirim đã nói rằng Mỹ không phải là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi nói tới giáo sỹ Fethullah Gulen, Thủ tướng Yildirim tuyên bố bất cứ nước nào ủng hộ vị giáo sỹ Hồi giáo này sẽ không phải là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ (ám chỉ Mỹ) đồng thời sẽ bị coi là có chiến tranh với quốc gia thành viên NATO này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng việc Mỹ liên quan đến cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ là “hoàn toàn không đúng sự thật”.

Bất chấp việc đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định ngưng các chuyến bay quân sự cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik, khiến sứ mệnh tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq bị ảnh hưởng.

Nga 'thân thiện' với Thổ

Xuất hiện cuộc 'đảo chính' quan hệ Mỹ-Thổ? ảnh 2 Cuộc điện đàm "thân thiết" của Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan.

Ngay sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố "từ mặt" Mỹ, Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm khẩn đến Tổng thống Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có thái độ "thân thiện" khác hẳn với thái độ đáp trả Mỹ.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết ông mong muốn tình hình ổn định ở Thổ Nhĩ Kỳ sớm được lập lại. Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan quả quyết rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để đảm bảo an toàn cho du khách Nga.

Hai nguyên thủ quốc gia Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận thoả thuận sẽ có các cuộc họp cá nhân trong thời gian gần nhất.

Gần đây quan hệ Nga - Thổ có dấu hiệu hàn gắn trở lại đặc biệt sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gửi thư xin lỗi Tổng thống Nga về vụ bắn rơi chiếc Su-24 hồi năm ngoái ở biên giới Syria.

Chính quyền Nga ngay lập tức tiến hành gỡ bỏ, nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế chống Thổ Nhĩ Kỳ. 

Khi nhận được thông tin về vụ đảo chính xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ ngoại giao Nga cũng đã ra một tuyên bố cho biết: "Moscow sẵn sàng làm việc với chính phủ hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ".

MỚI - NÓNG