Indonesia - Malaysia:

Xúc tiến giải quyết tranh chấp biển

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nguồn: Asia One
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nguồn: Asia One
TP - Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở khu vực đang là điểm nóng của thế giới, Malaysia và Indonesia vừa có bước đi tích cực nhằm giải quyết tranh chấp lâu đời về chủ quyền biển đảo, tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin.

Các nguồn tin Malaysia và Indonesia nói rằng, hai nước sẽ cử phái đoàn đặc biệt để khởi động các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ. Quyết định giải quyết tranh chấp được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Malaysia tuần trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hai chính phủ có ý định giải quyết tranh chấp, dù hiện có ít thông tin về việc lãnh đạo hai nước có kế hoạch gì để đạt được đồng thuận, The Diplomat đưa tin. Indonesia và Malaysia hiện có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên vùng biển Ambalat thuộc biển Celebes, ngoài khơi phía đông đảo Borneo.

“Chúng tôi đồng ý cử phái đoàn đặc biệt, để các vấn đề biên giới biển có thể được giải quyết vì đã tồn tại quá lâu”, Tổng thống Widodo nói với báo giới sau cuộc gặp với Thủ tướng Razak. Theo giới quan sát, thỏa thuận song phương về cơ chế phái đoàn đặc biệt cho thấy cả hai nước đều lạc quan rằng, tranh chấp có thể được giải quyết thông qua các biện pháp song phương.

Trước đây, Indonesia và Malaysia phải nhờ đến tòa án trọng tài quốc tế để phân xử các tranh chấp lãnh thổ. Năm 2002, Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết nghiêng về Malaysia trong vụ tranh chấp đảo Sipadan và Ligitan. Hai đảo này cũng thuộc biển Celebes. Tòa án nói rằng, phán quyết của họ dựa trên “quyền sở hữu hiệu quả”.

Các nhà phân tích cho rằng, việc chỉ định hai đoàn đặc phái viên vào thời điểm này gây tò mò, khi Thủ tướng Razak thừa nhận, các “nhóm kỹ thuật” của hai nước đã gặp nhau 26 lần mà không đạt được “tiến bộ đáng kể” để giải quyết các tranh chấp nổi cộm về chủ quyền biển đảo. Đến nay vẫn chưa rõ việc thành lập phái đoàn đặc biệt sẽ giúp ích như thế nào để xóa bỏ quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề tồn tại giữa hai nước.

Thủ tướng Razak nói với báo giới rằng, hai phái đoàn sẽ theo đuổi “một công thức có thể chấp nhận được đối với chính phủ và người dân cả hai nước Malaysia và Indonesia”. Báo chí Malaysia nhận định, việc cử đặc phái viên không dễ sớm giải quyết được tranh chấp khó tháo gỡ, nhưng đây được coi là bước đi đúng hướng của hai nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Thỏa thuận xúc tiến giải quyết tranh chấp được đưa ra không lâu sau khi chính quyền của Tổng thống Widodo triển khai chính sách đánh chìm các tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 1, một tàu cá mang cờ Malaysia bị phía Indonesia đánh chìm. 

Ngoài xúc tiến giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Malaysia, Indonesia mới đây có động thái tương tự với Philippines. Trong chuyến thăm Manila của Tổng thống Indonesia, ngày 9/2, ông Widodo và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III nhất trí sớm đàm phán về biên giới đất liền, sau đó sẽ xem xét lại thỏa thuận tuần tra biên giới, báo Philippines Philstar đưa tin.

Nhật Bản cho phép cung cấp ODA cho quân đội nước ngoài

Nội các Nhật Bản hôm qua thông qua hiến chương mới về viện trợ nước ngoài, trong đó lần đầu tiên cho phép cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ lực lượng quân sự nước ngoài trong những chiến dịch phi chiến đấu như cứu trợ thảm họa, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển…, hãng tin Nhật Bản Kyodo đưa tin. Hiến chương mới dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp ODA để hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài, nếu hoạt động của họ nhằm cải thiện đời sống người dân, hoặc phục vụ công tác phi quân sự như cứu trợ thảm họa.

MỚI - NÓNG