Xung quanh cuộc “chiến tranh gián điệp” giữa Nga và Gruzia

Xung quanh cuộc “chiến tranh gián điệp” giữa Nga và Gruzia
TPCN - Ngày 29/9, quan hệ giữa Nga và Gruzia tiếp tục xấu đi một cách nghiêm trọng với việc Chính phủ Gruzia chính thức khởi tố 4 sĩ quan Nga đã bị bắt giữ về tội hoạt động gián điệp.
Xung quanh cuộc “chiến tranh gián điệp” giữa Nga và Gruzia ảnh 1
Máy bay Nga di tản nhân viên ngoại giao khỏi Tbilisi

Tòa án đã quyết định gia hạn tạm giam 4 người này thêm 2 tháng nữa. Người phát ngôn Bộ nội vụ Gruzia ra thông báo: Trong số 5 sĩ quan Nga bị bắt tối 27/9, trừ Skalinikov đã được thả, 4 người khác đều bị cáo buộc tội hoạt động gián điệp.

Trong khi đó tại Tbilisi, cảnh sát Gruzia vẫn tiếp tục bao vây căn cứ của Nga, đòi trao cho họ “gián điệp thứ 6” là Trung tá Pitukin, song phía Nga tuyên bố kiên quyết không giao người. Ngày 29, phía Nga đã đưa 2 máy bay đến Tbilisi để chở hơn 100 nhân viên ngoại giao cùng thân quyến về nước.

Ngày 4/10, Dumar quốc gia Nga sẽ họp phiên toàn thể để thảo luận vụ Gruzia bắt người và tình hình liên quan. Phó Chủ tịch Duma Behakin tuyên bố: Nga “sẽ làm mọi cách để các sĩ quan được tự do”, Hội đồng liên bang Nga sẽ không loại trừ việc tiến hành trừng phạt Gruzia.  

Vì đâu nên nỗi

Nga và Gruzia vốn là hai nước cộng hòa anh em trong đại gia đình Liên Xô trước đây. Gruzia chiếm một vị trí đặc biệt trong văn học và tư tưởng Nga; từ trước tới nay, Gruzia luôn được coi là một đất nước thân thiện ở vành đai phía nam của nước  Nga hùng mạnh.

Quan hệ giữa hai bên ngày càng căng thẳng kể từ khi ông Saakashvili lên nắm quyền hồi năm 2004, cam kết tách nước cộng hòa vùng Kavkaz này ra khỏi quỹ đạo của Nga và gia nhập NATO cũng như EU.

Năm 2005, Nga đã đồng ý đóng cửa hai căn cứ quân sự của mình tại Gruzia vào năm 2008.

Các nỗ lực của Gruzia nhằm tách xa khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Kremli và còn có ý định tham gia vào NATO đã khiến cho Nga rất tức giận, vì nhiều quan chức Nga coi đó là một chính sách gây tổn hại tới mối quan hệ lịch sử cũng như tạo điều kiện gây nên tình hình bất ổn lâu dài tại các khu vực biên giới Nga.

 Quan hệ giữa Matxcơva và Tbilisi đã đột ngột xấu hẳn đi trong những tuần vừa qua, kể từ khi Gruzia và khối NATO thống nhất thảo luận việc cải thiện quan hệ.

Gruzia đã cáo buộc Nga là hậu thuẫn cho phe ly khai tại các khu vực Abkhazia và Nam Ossetia nhằm chống lại chính quyền Tbilisi.

Vụ bắt các sỹ quan Nga trùng với chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Saakashvili tới khu vực biên giới giữa Gruzia và Abkhazia. Nga nói rằng chuyến thăm của ông Saakashvili rất nguy hiểm và có thể gây căng thẳng giữa Nga và Gruzia. Còn Tbilisi thì nói Matxcơva đang lấy kinh tế ra để đe dọa Gruzia, thông qua việc cấm nhập khẩu hàng hóa của nước này.

Ngày 28/9, phát biểu trên truyền hình, nhà  lãnh đạo Gruzia, ông Mikhail Saakashvili, đã cáo buộc Nga là tìm cách xóa bỏ đất nước Gruzia của ông.

Mikhail Saakashvili tuyên bố rằng ông không hề khoa trương khi cam kết bảo vệ an ninh cho đất nước ông.

“Trong hơn một năm nay, tôi đã nói công khai, không giấu giếm, rằng hệ thống phản gián của chúng tôi đang hoạt động, rằng chúng tôi có thông tin và chúng tôi đang hành động để bảo vệ cho hệ thống dân chủ và an ninh của đất nước.

Có vẻ như người ta nghĩ rằng tôi đang nói đùa hay phóng đại…Chúng ta chưa bao giờ lừa dối họ. Có những ranh giới rõ ràng mà không ai nên vượt qua, và có ranh giới mà một đất nước tự hào sẽ luôn phải bảo vệ.

Mọi người nên hiểu rằng chúng tôi không phải là một lãnh thổ mờ nhạt như dưới thời cựu Tổng thống Shevardnadze nữa, mà là một đất nước dân chủ hiệu quả”.

Các quan chức Gruzia nói các điệp viên Nga đã có các hoạt động tình báo và chuẩn bị đưa ra cái mà họ gọi là “những hành động khiêu khích” vì thế họ phải ra tay ngăn chặn trước khi mọi việc đi quá xa.

Tbilisi đã đưa ra cuốn băng video mà trong đó họ nói các sỹ quan Nga đang thảo luận về các mục tiêu quân sự của Gruzia với một số công dân Gruzia và đưa tiền cho họ.

Dư luận cho rằng, chừng nào Gruzia còn chưa thả các sĩ quan Nga thì quan hệ giữa hai quốc gia sẽ còn tiếp tục tồi tệ đi. Có thể cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết bằng thương lượng sau khi Gruzia chấp nhận bãi bỏ cuộc bao vây căn cứ Nga, thả các sĩ quan bị bắt.

Đổi lại, họ hy vọng Nga sẽ nới lỏng những chính sách hạn chế đối với Gruzia đang áp dụng nhất là trong lĩnh vực năng lượng và thương mại.

MỚI - NÓNG