Xung quanh quyết định của TT Putin ngừng thực hiện CFE

Xung quanh quyết định của TT Putin ngừng thực hiện CFE
TP - Ngày 14/07/2007, Tổng thống Nga V. Putin ký Sắc lệnh “Liên bang Nga ngừng thực hiện Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) và các văn kiện có liên quan”.

>> Nga không cần dự Hội nghị bất thường NATO về vũ khí thông thường

Xung quanh quyết định của TT Putin ngừng thực hiện CFE ảnh 1

Hiệp ước CFE (Conventional Armed Forces In Europe) được ký kết giữa hai khối liên minh chính trị quân sự lớn nhất hành tinh, khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và khối Hiệp ước Warsaw, khi quân đội Liên Xô và NATO đối mặt với nhau ở Trung Âu.

Theo đó, các bên tham gia ký kết CFE phải cắt giảm 2 lần số xe tăng, trọng pháo, máy bay chiến đấu, trực thăng và các thứ vũ khí hạng nặng khác của lục quân.

Theo quy định của CFE được điều chỉnh năm 1999, Nga đã phải nhượng bộ quá lớn trước sức ép của Mỹ: số xe tăng của các nước NATO là 22.424 (của Nga chỉ có 6.400); số xe bọc thép của NATO là 36.570 (của Nga-11.480); số trọng pháo của NATO là 23.137 (của Nga-là 6.415); số máy bay chiến đấu của NATO là 8.038 (của Nga-3.416); số trực thăng chiến đấu của NATO là 2.509 (của Nga-890).

Như vậy, theo CFE năm 1999, NATO đã chiếm ưu thế vượt trội so với Nga. Tuy nhiên, do phải sa vào thế yếu sau khi Liên Xô tan rã, phía Nga đã phải thực hiện các cam kết của CFE, cắt giảm hơn 20.000 vũ khí và thiết bị quân sự.

Trong khi Mỹ và các đồng minh khác từ chối thực hiện các điều khoản đề ra trong hiệp ước, thậm chí nhiều nước không phê chuẩn CFE nhằm đơn phương giành ưu thế quân sự vượt trội so với Nga không chỉ ở châu Âu mà cả trên quy mô toàn cầu.

Động thái gần đây nhất được coi là “giọt nước làm tràn ly” là Mỹ quyết định triển khai các căn cứ đánh chặn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, giống như đưa “lưỡi dao kề vào mạng sườn” của Nga, khiến Điện Cremli không có con đường nào khác là phải rút khỏi CFE và gia tăng lực lượng thông thường để đề phòng một cuộc tiến công chớp nhoáng nhằm vào Nga trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, Sắc lệnh của Tổng thống V.Putin chỉ là “tạm ngừng thực hiện CFE”, đến ngày 01/07/2008, nếu các đối tác của Nga trong NATO không phê chuẩn CFE và không thực hiện các cam kết của họ thì lúc đó Nga sẽ vĩnh viễn rút khỏi hiệp ước này.

NATO vốn dĩ là đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Warsaw trong thời kỳ đối đầu giữa hai hệ thống chính trị thế giới trong “chiến tranh lạnh”. Lẽ ra, sau khi Liên Xô sụp đổ và khối Hiệp ước Warsaw tan rã, NATO không còn lý do tồn tại, nhưng tổ chức này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và không ngừng bành trướng sang phía đông.

Đáng chú ý, một trong các mục tiêu chủ yếu của NATO là phát triển thành một liên minh quân sự trên phạm vi toàn cầu để bảo đảm “an ninh năng lượng” cho các nước thành viên.

Điều nguy hiểm là NATO coi hành động của một quốc gia nào đó cắt nguồn cung cấp năng lượng cho bất kỳ thành viên nào của NATO là “hành động xâm lược” hoặc “tuyên bố chiến tranh”.

Nhiều chính khách trong các quốc gia là thành viên NATO đã từng tuyên bố rằng dầu mỏ và khí đốt của Nga có tầm quan trọng không kém tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bởi gần như tất cả các nước thành viên NATO đều thiếu các tài nguyên năng lượng riêng của họ.

NATO đang thực sự chuyển hóa từ tổ chức thời “chiến tranh lạnh” thành một thể chế xuyên Đại Tây Dương với các nhiệm vụ toàn cầu, mục đích toàn cầu và đối tác toàn cầu.

Trong tình hình đó, không có con đường nào khác, Nga phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình, tạo thế cân bằng chiến lược với NATO, không chỉ duy trì thế ổn định chính trị-quân sự ở châu Âu, mà còn góp phần quan trọng gìn giữ hòa bình trên thế giới.

MỚI - NÓNG