Xung quanh vụ tòa án Italia bắt giữ 13 điệp viên CIA

Xung quanh vụ tòa án Italia bắt giữ 13 điệp viên CIA
Ngày 24/6, nhà đương cục Italia đã ra lệnh bắt giữ 13 nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang hoạt động trên đất nước này về tội tổ chức bắt cóc một chức sắc Hồi giáo quốc tịch Ai cập năm 2003.
Xung quanh vụ tòa án Italia bắt giữ 13 điệp viên CIA ảnh 1

Chức sắc tôn giáo người Ai - cập bị bắt cóc tên là Hassan Mustafa Nasr (còn gọi là Abu Omar), 42 tuổi, năm 1997 sau khi từ Albani vào Italia, ông ta đã được các quan chức chống khủng bố để ý. Khi chủ trì các buổi lễ ở Milan ông thường xuyên đả kích chính sách của Mỹ ở Afghanistan và Trung Đông.

Sau khi xảy ra sự kiện 11/9, Abu Omar đã bị các cơ quan tình báo Mỹ và Italia coi là một phần tử “Thánh chiến”, bị nghi ngờ đã giúp Al Qaeda và từng tham gia thánh chiến ở Afghanistan và Bosnia.

Những người làm chứng kể lại, trưa ngày 17/2/2003, khi ông này đang đi bộ trên đường phố Milan để đến một địa điểm làm lễ buổi trưa thì đột nhiên có 3 - 4 nhân viên CIA nói tiếng Italia ập tới đòi ông xuất trình giấy tờ.

Khi biết chắc ông là người cần tìm, các nhân viên CIA đã xịt thuốc mê vào mặt ông rồi lôi lên chiếc xe tải nhỏ kiểu thùng kín màu trắng rồi phóng mất dạng.

Công tố viên cho biết, theo một nguồn tin, sau khi bị bắt cóc, Abu Omar đã bị đưa tới căn cứ liên hợp Aviano ở miền Bắc Italia rồi được một chiếc máy bay quân sự đưa về giam giữ ở Ai - cập ngay ngày hôm sau.

Vào tháng 4/2004, từ Ai - cập, ông ta đã gọi điện thoại cho vợ con đang ở Italia, nói mình vẫn đang bị quản thúc. Trong thời gian bị biệt giam ông đã bị các nhân viên CIA tra tấn, bị chích điện, một tai đã bị điếc.

Sau cú điện này ông đã bị cảnh sát Ai - cập bắt lại, còn hiện nay thì người ta không rõ ông đang ở đâu.

Tuy quá trình bắt cóc đã được cảnh sát Italia điều tra khá rõ, nhưng cho đến nay người ta vẫn không rõ liệu chính phủ Italia có biết trước và có bật đèn xanh cho CIA tiến hành hay không?

Trong vấn đề này, trong ngành kiểm sát Italia đã chia thành 2 phe rõ rệt. Một phe cho rằng không có chứng cứ cho thấy chính phủ Italia đã biết trước và dính vào vụ này, song cũng có những người khẳng định chính phủ Italia đã biết trước và phê chuẩn vụ bắt cóc.

Chứng cứ rõ nhất là vụ bắt cóc được tiến hành ngang nhiên giữa ban ngày ngay trên đường phố và các đặc vụ CIA chả hề tỏ ra sợ sệt điều gì. Trước và sau khi bắt cóc, các nhân viên CIA đã ngang nhiên sử dụng mạng điện thoại di động Italia liên lạc liên tục suốt mấy giờ liền mà không sợ bị truy tìm dấu vết, thậm chí còn gọi đến một số số máy nhạy cảm, trong đó có Tổng bộ CIA ở Virginia.

Chưa hết, giấy tờ họ dùng để thuê xe đều ghi tên tuổi thật.

Những hành vi ngang ngược, không hề biết sợ kể trên của các đặc vụ CIA đã tạo thuận lợi để cảnh sát Italia lần ra dấu vết. Theo tờ “Thời báo New York”, lúc bắt đầu điều tra, cảnh sát Italia tưởng rằng đây là điệp vụ chung của tình báo hai nước, nhưng rồi qua các chứng cứ đã có họ khẳng định đây hoàn toàn là hành động đơn phương của CIA.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát Italia đã tìm ra bản ghi các cuộc đàm thoại và tư liệu đăng ký tại mấy khách sạn sang trọng, nắm chắc tên tuổi và hồ sơ của 13 nhân viên CIA.

Ngoài ra còn có bản sao hộ chiếu, ảnh, số điện thoại, số thẻ VISA, Master Card và cả địa chỉ của họ bên Mỹ.

Trước lệnh truy nã của người Italia, phía Mỹ vẫn giữ im lặng. Người phát ngôn của CIA từ chối bình luận về lệnh bắt nhân viên của họ, còn Sứ quán Mỹ ở Roma và Lãnh sự quán ở Milan thì im như hũ nút. Quan chức CIA ở Washington cũng không hề lên tiếng.

Sự kiện bắt cóc Abu Omar chỉ là một trong không biết bao nhiêu vụ “dẫn độ bất bình thường” (extraordinary rendition) - chỉ việc CIA tuỳ tiện bắt người trên lãnh thổ nước khác bất chấp luật pháp nước sở tại rồi đưa người bị bắt sang nước thứ ba thẩm vấn.

“Thời báo New York” cho biết, từ sau vụ 11/9 đến nay đã có hơn 100 kẻ tình nghi khủng bố bị bắt đưa sang Ai - cập, Jordani, Ma - rốc, Pakistan, Uzbeckstan…tra tấn.

CIA cho rằng biện pháp chống khủng bố này là hợp pháp, trực tiếp, có hiệu quả. Nhưng nhiều người trong giới luật pháp lại cho rằng cái gọi là “dẫn độ bất bình thường” như thế là hành vi bắt cóc, cướp người tuỳ tiện, vừa xâm phạm chủ quyền nước sở tại vừa vi phạm nhân quyền.

Một số nhà phân tích thời cuộc cho rằng, cuộc tranh chấp giữa Italia và Mỹ xung quanh vụ CIA bắt cóc Abu Omar sẽ làm cho quan hệ hai nước đứng trước thử thách mới.

Trước đó, quan hệ đôi bên đã trở nên căng thẳng sau vụ lính Mỹ ở Baghdad đã bắn chết một nhân viên tình báo Italia trong vụ giải cứu một nữ con tin khỏi các phần tử chống đối Iraq.

MỚI - NÓNG