Ý định thực sự của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Qatar

TPO - Trong khi, Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh cô lập Qatar, các quan chức Mỹ lại cho hay, Washington sẽ tìm cách xoa dịu căng thẳng ở vùng Vịnh để chung tay chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Hai quan điểm khác biệt về Qatar của Mỹ

Theo Cơ quan thông tấn Ả Rập (SPA), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm cho vua Salman bin Abdulaziz Al-Saud của Ả Rập Saudi vào tối 6/6, trong bối cảnh căng thẳng ở vùng Vịnh đang leo thang.

Báo cáo được công bố sau đó một ngày cho biết, ông Trump đã ca ngợi vua Salman vì “vai trò hàng đầu của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Chủ nhân Nhà Trắng cũng bày tỏ mong muốn “tăng cường các nỗ lực chung của Ả Rập – Mỹ trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và đạt được an ninh, ổn định trong khu vực”.

Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước diễn ra trong bối cảnh Qatar bị loạt các nước Ả Rập và vùng Vịnh “tẩy chay” với cáo buộc ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Iran.

Ý định thực sự của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Qatar ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp vua Salman của Ả Rập Saudi.

Trước đó, ông Trump đã ca ngợi hành động chống lại Qatar của Ả Rập Saudi và các quốc gia Trung Đông.

“Thật tuyệt khi chuyến thăm Ả Rập Saudi với nhà vua và 50 quốc gia khác thành công. Họ tuyên bố, sẽ có đường lối cứng rắn đối với việc tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan, và tất cả mọi dẫn chứng đều hướng về Qatar. Có lẽ đây sẽ là sự khởi đầu cho cơn ác mộng của chủ nghĩa khủng bố”, ông Trump viết trên Twitter.

Ông Trump cũng tiết lộ, chính là người gợi ý cho các nước Ả Rập và vùng Vịnh cô lập Qatar. “Trong chuyến thăm Trung Đông gần đây, tôi từng nói rằng chúng ta không thể tài trợ cho tư tưởng cực đoan”, ông viết trên Twitter sáng 6/6.

Trong khi đó, tại Washington, một quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho hay, mong muốn của Tổng thống Mỹ là sự thống nhất của vùng Vịnh.

“Thông điệp của ông ấy (Trump) là chúng ta cần đoàn kết trong khu vực để chống lại hệ tư tưởng cực đoan và viện trợ cho khủng bố. Điều quan trọng là vùng Vịnh phải được thống nhất vì hòa bình và an ninh trong khu vực”, Reuters dẫn lời quan chức Nhà Trắng.

Trước đó, ngay sau khi Qatar bị càng cường quốc của thế giới Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao, quân đội Mỹ đã ca ngợi Qatar vì đóng góp của nước này với an ninh khu vực, đồng thời khẳng định các chuyến bay của Mỹ từ căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thời điểm cũng tuyên bố: “Quan hệ đối tác của chúng tôi tại vùng Vịnh là rất quan trọng và chúng tôi hy vọng các bên tìm ra con đường giải quyết những bất đồng càng sớm càng tốt".

Bên cạnh đó, một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ thừa nhận, nhiều hành vi của Qatar rất đáng lo ngại, không chỉ với các nước láng giềng vùng Vịnh và cả Mỹ. “Chúng tôi muốn đưa họ đi đúng hướng”, quan chức Mỹ chia sẻ.

Ý định thực sự của Mỹ

Trong khi Mỹ có các quan điểm trái ngược về cuộc khủng hoảng ở Qatar, các chuyên gia quốc có đưa ra những bình luận liên quan đến “nguyên nhân đằng sau” động thái của thế giới Ả Rập.

Iran, một trong những lý do khiến Qatar bị “tẩy chay”, cho rằng, mâu thuẫn giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh là hệ quả của chuyến thăm các nước Trung Đông mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông.

Ông Alaeddin Boroujerdi, Chủ tịch Ủy ban về An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Iran, thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ả Rập Saudi có ảnh hưởng lớn đến cuộc khủng hoảng.

Theo ông Boroujerdi, sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, gây ra mâu thuẫn giữa các nước Hồi giáo và “có thể còn nhiều vụ việc tiêu cực hơn tại khu vực”.

Ý định thực sự của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Qatar ảnh 3 Vua Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trên tờ Sputnik, Muhammed Abbas, Thiếu tướng về hưu của quân đội Syria, dự đoán, Qatar có thể sẽ phải chứng kiến một cuộc đảo chính và đây là chiêu thức để Mỹ chi phối Trung Đông.

Mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và thế giới Ả Rập, trong đó có Qatar, tuy từng có những giai đoạn căng thẳng, nhưng luôn có sự ràng buộc nhất định.

Không chỉ sự hợp tác kinh tế về mua bán dầu mỏ, Mỹ hưởng lợi rất nhiều từ vùng Vịnh nhờ các hợp đồng mua bán vũ khí và các hoạt động quân sự. Hiện nay, căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Ý định thực sự của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Qatar ảnh 4 Căn cứ không quân Al-Udeid của Mỹ ở Qatar.

Tuy nhiên, việc Qatar ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và Iran lại là khúc mắc lớn nhất của Mỹ.

Theo ông Abbas, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani từng công khai phản đối ý định tập hợp liên minh Ả Rập – Hồi giáo để chống lại Iran của Tổng thống Trump.

Bên cạnh đó, Doha cũng bảo vệ lập trường viện trợ cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Hamas (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo), Taliban…

Chưa kể, các động thái từ Qatar không chỉ khiến Mỹ lo ngại mà còn vấp phải ý kiến phải đối từ  các quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh.

Ông Abbas nhận định, trước nguy cơ đó, Mỹ muốn lợi dụng mâu thuẫn vốn tồn tại trong thế giới Ả Rập để thay đổi thể chế chính trị ở Qatar để phù hợp hơn với chính sách của Mỹ ở Trung Đông, và “mồi lửa” chính là chuyến thăm Ả Rập Saudi vừa qua.

Một mặt Mỹ ngầm gợi ý cho các quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh cô lập Qatar, mặt khác vẫn khẳng định mối quan hệ đồng minh với nước này và kêu gọi hòa giải.

Theo giới quan sát quốc tế, Mỹ tìm cách can thiệp vào mâu thuẫn của các nước Hồi giáo với ý đồ trở thành bên trung gian vừa để nâng cao tầm ảnh hưởng tại khu vực, tận dụng cơ hội giành một số chiến thắng trên chiến trường Syria, phần nào đẩy lùi các nhóm khủng bố.

Hơn tất cả, Mỹ muốn biến tất cả các quốc gia vùng Vịnh trở thành đồng minh trung thành với cường quốc này, mà không có sự ảnh hưởng từ chủ nghĩa cực đoan hay Iran. 

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.