Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xây dựng trái phép ở Trường Sa

Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép tại đá Gạc Ma của Việt Nam. Ảnh chụp ngày 27/4/2015. Ảnh: Trung Hiếu
Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép tại đá Gạc Ma của Việt Nam. Ảnh chụp ngày 27/4/2015. Ảnh: Trung Hiếu
TP - Việc Trung Quốc xây dựng 2 đèn biển trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam; Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động xây dựng này.

Đó là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 28/5 khi trả lời câu hỏi của báo giới về việc Trung Quốc vừa động thổ xây dựng 2 hải đăng trên 2 đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc Trường Sa.

Ông Lê Hải Bình tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002.

“Chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng ở Trường Sa, nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC, và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông”, ông Lê Hải Bình nói.

Thể hiện quan điểm về việc Trung Quốc hôm 26/5 công bố Sách trắng Quốc phòng trong đó có nội dung bao biện việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Trường Sa, ông Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi cho rằng, là một nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm, xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới”.

Về việc truyền thông Úc đưa tin giới chức này quan ngại Trung Quốc có thể chuyển vũ khí lên những đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép ở biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát mọi hoạt động của các bên liên quan ở biển Đông. Biển Đông là tuyến hàng hải và hành lang hàng không quốc tế quan trọng.

“Chúng tôi yêu cầu và mong muốn các bên liên quan duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và phù hợp với DOC”, ông Lê Hải Bình nói.

Cuối tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam

Người phát ngôn Lê Hải Bình thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/5 đến 2/6, theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bộ trưởng sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, để qua đó tăng cường quan hệ, hiểu biết giữa hai nước và hai quân đội. Về câu hỏi ông Carter có thăm cảng Cam Ranh trong dịp này hay không, Người phát ngôn cho biết, hai bên đang tích cực chuẩn bị cho chương trình của chuyến thăm.

Trước chuyến công du ba nước châu Á gồm Singapore, Việt Nam và Ấn Độ, Bộ trưởng Carter đã có phát biểu liên quan biển Đông. “Trước tiên, chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp và muốn các hoạt động cải tạo đất dừng ngay lập tức”, AP hôm qua dẫn tuyên bố của ông Carter đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ. “Chúng tôi cũng phản đối bất kỳ hoạt động quân sự hóa nào trên các thực thể tranh chấp”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.

Dự báo, những căng thẳng về việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa sẽ phủ bóng lên Đối thoại Shangri-la tại Singapore cuối tuần này. Ông Carter sẽ tham dự diễn đàn quốc phòng cùng quan chức quân đội nhiều nước, trong đó có Phó Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - ông Tôn Kiến Quốc. Các chuyên gia cho rằng, khác kỳ Shangri-la năm ngoái, Trung Quốc lần này sẽ không “giả điếc” trước những chỉ trích của quốc tế về động thái hung hăng của nước này trên biển Đông.

Trước việc báo Anh The Guardian gần đây đưa tin có 3.000 trẻ em Việt bị bán sang Anh làm việc như nô lệ, Người phát ngôn Lê Hải Bình hôm qua cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đang làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin này. Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật của Anh và nhiều nước khác trong việc phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, nhất là tội phạm buôn bán người. Đối với công dân Việt Nam gặp khó khăn ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam luôn kịp thời xác minh thông tin và triển khai biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân khi họ gặp khó khăn ở nước ngoài.

Bảo hộ ngư dân bị giữ ở Brunei, Palau

Về thông tin Palau (một đảo quốc ở Thái Bình Dương) đang giữ 5 tàu đánh cá cùng 60 ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sâm ở vùng biển nước này và sẽ cho đốt cháy 3 tàu cá trong số đó, đồng thời đưa 60 ngư dân lên 2 tàu còn lại để trả về Việt Nam trong tuần tới, ông Lê Hải Bình cho biết, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực làm việc để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngư dân Việt Nam cùng tàu thuyền của họ.

Về việc 33 ngư dân Việt Nam bị giữ ở Brunei, Người phát ngôn cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo từ phía Brunei về việc đang giữ tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg95924TS, Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei đã cử cán bộ xác minh thông tin, thăm hỏi và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cho biết, sức khỏe của 33 ngư dân ổn định.

MỚI - NÓNG