Yukos trên bờ vực phá sản

Yukos trên bờ vực phá sản
Yukos là một công ty dầu khí do tỉ phú Mikhail Khodorkovsky và một số doanh nhân tiếng tăm của Nga sáng lập và điều hành.

Ngày 28/3/2006, một tòa án trọng tài ở Moskva đã ra phán quyết đặt tập đoàn này trong tình trạng phá sản.

Số phận của công ty từng là nhà khai thác dầu mỏ lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất của Nga đang tiến một bước gần đến cửa tử.

Nhìn vào lịch sử hoạt động của công ty, nhất là trong thời kỳ cuối của tập đoàn này, dễ dàng thấy rằng Yukos đã không tránh khỏi vết xe đổ của con đường làm ăn nợ nần và gian lận thuế.

Thuế và những khoản nợ khó thanh toán

Là một trong những công ty hàng đầu thế giới, với sản lượng dầu chiếm đến 20% của Nga và khoảng 2% trên toàn cầu nhưng Yukos đã không còn đứng vững trên đôi chân của mình mà phải đi dần đến bước kết thúc phá sản.

Tháng 7/2004, Yukos bị buộc tội trốn thuế hơn 7 tỉ USD. Chính quyền Nga cáo buộc công ty đã dùng nhiều “thủ thuật” để tránh thuế, chủ yếu dựa vào hầu hết các nhà sản xuất dầu lớn nằm ở các vùng xa, ngoài khu vực trung tâm Moskva để hưởng thuế suất đặc biệt.

Yukos dựa vào các “khe hở” của luật để có được thuế suất có lợi 11% thay vì phải chịu thuế suất theo luật định là 30% vào thời gian đó. Yukos cho rằng việc làm của mình là hoàn toàn hợp pháp.

Các công ty con của Yukos cũng công bố rằng sản phẩm dầu của họ sản xuất ra là “chất lỏng-chứa-dầu” nhằm tránh phải trả nhiều thứ thuế. Ngoài ra, trong một tiến trình nhằm tránh nguy cơ bị phá sản, lãnh đạo của tập đoàn đã đạt được một thỏa thuận “hữu nghị” với chính phủ để trả 8 tỉ USD trong vòng 3 năm, trong khi con số này nếu so sánh với một công ty dầu khí khác là Gazprom là 4 tỉ USD trên doanh thu năm 2003, 28 tỉ 867 USD.

Theo số liệu của Tập đoàn Société Générale của Pháp, người quản lý 14 ngân hàng trên thế giới, khoản vay của Yukos ở các ngân hàng phương Tây này là 1 tỉ USD.

Theo số liệu công bố của tờ The Business, các ngân hàng đã bán 482 triệu USD nợ còn lại và các quyền lợi của họ trên tài sản của Yukos ở các nước khác cho Rosneft, một công ty được chỉ định đứng ra mua Yukos. Theo các điều kiện trong thỏa thuận này, Rosneft sẽ không thanh toán nợ cho đến khi quy trình phá sản bắt đầu tiến hành đối với Yukos.

Nỗ lực cuối cùng

Tuy nhiên Yukos vẫn còn niềm hy vọng trong những giờ phút sắp đến gần cửa tử, bán tài sản để trang trải những khoản thuế phải trả: 33 tỉ USD. Yukos nói rằng đã “quyết toán” 21 tỉ USD nợ tồn đọng và đang trong quá trình bán thêm các tài sản ở nước ngoài để lấy tiền.

Niềm hy vọng mong manh mà Yukos đặt vào là hủy bỏ việc xét xử sau khi chính quyền Lithuania vừa đồng ý trả 1,4 tỉ USD để mua lại nhà máy lọc dầu Mazeikiu Nafta ở Butinge trên bờ biển Baltic. Cho dù đây là một yếu tố tích cực song tình trạng phá sản mà Yukos phải đương đầu vẫn nằm trong một quy trình đang diễn ra khó ai có thể làm nó bị dừng lại.

Các nhà quan sát trong ngành hy vọng rằng Yukos sẽ trao 2 công ty còn lại và 5 nhà máy lọc dầu ở Nga cho nhà nước để tính chuyện trang trải nợ nần. Số tài sản này ước tính lên đến con số 20 tỉ USD.

Và phiên tòa quyết định

Phiên tòa xem xét tình trạng phá sản của Yukos sẽ được tiếp tục vào ngày 27/6/2006 để quyết định liệu Yukos phải tuyên bố phá sản hay không. Theo kế hoạch, Phòng Thương mại Nga sẽ trình bày bản báo cáo về tình trạng nợ nần của Yukos tại phiên xét xử này.

Tuy nhiên, Yukos vẫn cố tìm cách kéo dài ngày xét xử; các luật sư của Tập đoàn Yukos đề nghị lùi lại phiên tòa này thêm 14 ngày vì họ cần thời gian để nghiên cứu tài liệu liên quan đến việc chuyển nợ. Một yêu cầu nữa là phiên tòa xét xử tình trạng phá sản của Yukos phải được diễn ra tại thành phố Nefteyugansk, miền Tây Siberia, nơi Tập đoàn Yukos đăng ký hoạt động.

Hiện nay, Tòa án Moskva đã chỉ định ông Eduard Rebgun, một quản lý viên  tạm thời do Rosneft đề nghị để giám sát hoạt động của Yukos cho đến khi tiến hành phiên tòa ngày 27/6/2006

Theo Anh Vân
ANTG/BBC, The Business, Interfax

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.