Zimbabwe: 6 triệu đô la Z chỉ mua được… 1 cái bánh mỳ

Zimbabwe: 6 triệu đô la Z chỉ mua được… 1 cái bánh mỳ
TP - Tờ The Herald của Zimbabwe vừa công bố số liệu của Ngân hàng Trung ương ngày 15/2 cho biết tỷ lệ lạm phát chính thức ở nước này vào tháng 12/2007 đã tăng gấp ba lần so với tháng trước đó, lên 66.212%, mức cao nhất thế giới.

Tuy nhiên mức lạm phát này vẫn thấp hơn nhiều so với con số được tính toán bởi các nhà phân tích độc lập. Lạm phát ở nước này đã tăng vọt lên 24.470% vào tháng 11/2007. Giá thực phẩm và các loại đồ uống không cồn tăng 79.412%, trong khi hàng hoá phi thực phẩm tăng 58.492% trong tháng 12/2007.

Đầu tháng 10/2007, Cục Thống kê quốc gia công bố tỷ lệ lạm phát chính thức chỉ dưới 8.000%. Tuy nhiên, việc cập nhật tỷ lệ lạm phát đã phải tạm ngừng vì không có đủ hàng hoá trong các cửa hàng để tính toán, so sánh sự biến động của giá cả.

Tuần qua, Ủy ban Giá và Thu nhập quốc gia, cơ quan kiểm soát giá cả của Chính phủ, cho phép tăng giá đột ngột ngũ cốc, đường, bánh mì và các loại thiết yếu khác để duy trì hoạt động của các nhà sản xuất và sự xuất hiện trở lại của hàng hóa trong hệ thống cửa hàng.

Dù đã cho phép tăng lên mức giá mới, nhưng giá các sản phẩm tiêu dùng vẫn chỉ bằng 1/2 so với giá chợ đen nên không thể đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm thường xuyên cho các cửa hàng.

Tờ The Herald cho biết, hàng hoá chỉ xuất hiện ngay sau khi giá tăng và sẽ lại “biến mất” do chi phí sản xuất chúng cũng tăng theo. 

Theo ước tính của các nhà phân tích độc lập, tỷ lệ lạm phát thực sự trong năm qua ở Zimbabwe là 150.000%. Hoá đơn siêu thị cho thấy giá thịt gà đã tăng hơn 236.000%, lên 15 triệu đô la Z từ tháng 1/2007 tới tháng 1/2008.

Báo chí phản ánh, mỗi sáng thức dậy, người dân Zimbabwe luôn bị sốc vì giá các mặt hàng thiết yếu đều đã tăng trên 1.000%. Ngày 13/2, giá 1 ổ bánh mỳ tăng từ 2,5 triệu đô la Z lên 6 triệu đô la Z; giá 1 gói đường 2 kg tăng từ 700.000 đô la Z vọt lên 9 triệu đô la Z; túi bột ngô 10 kg tăng lên 14 triệu đô la Z so với 3,5 triệu đô la Z trước đó…

Zimbabwe chính thức giành độc lập từ Anh quốc năm 1980. Nền kinh tế liên tục suy giảm nhanh chóng trong suốt 8 năm qua. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ lạm phát luôn ở mức cao nhất thế giới, khan hiếm các mặt hàng lương thực thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, đường, dầu ăn và nhiên liệu.

Chính phủ Zimbabwe đã triển khai một số biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát như cho đổi tiền, quy định giá sàn cho một số hàng hoá thiết yếu…Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Hiện, khoảng 80% trong hơn 13 triệu dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ, thường xuyên bị thiếu ăn. Ngay cả giới công chức cũng sống rất chật vật, lo ăn từng bữa, đi làm bằng xe đạp hoặc đi bộ vì mức lương hàng tháng nhiều khi chỉ đủ mua vài ổ bánh mỳ. 

MỚI - NÓNG