Zimbabwe: Chống lạm phát bằng cách 'biến' 10 tỷ thành 1 đô la

Zimbabwe: Chống lạm phát bằng cách 'biến' 10 tỷ thành 1 đô la
TP - Chính quyền Zimbabwe ngày 30/7 thông báo bỏ 10 chữ số “0” của đồng đô la Z nhằm loại bỏ lạm phát của loại tiền này, nghĩa là 10 tỷ đô la Z nay chỉ còn 1.

Thống đốc Ngân hàng TƯ Gideon Gono cho biết, quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8.

Zimbabwe: Chống lạm phát bằng cách 'biến' 10 tỷ thành 1 đô la ảnh 1
Thanh toán tiền cho một bữa ăn trong nhà hàng ở Zimbabwe

Quyết định đổi tiền được đưa ra 1 tuần sau khi Ngân hàng TƯ cho in loại tiền có mệnh giá 100 tỷ đô la Z, nhưng không đủ để mua 1 ổ bánh mì do lạm phát tăng quá cao. Tiền mới sẽ có mệnh giá cao nhất là 500 đô la Z và Ngân hàng TƯ cũng cho lưu hành trở lại loại tiền xu cũ đã không được lưu hành trong nhiều năm.

Fungai Matambo, người bán hàng rong, 33 tuổi, cho biết bà rất mừng vì ở nhà vẫn giữ nhiều tiền xu cũ.

Tuy nhiên, những người dân khác không tỏ ra lạc quan. John Takawira, 28 tuổi, làm việc trong quán cafe internet, cho rằng quyết định đổi tiền trên không giúp gì cho việc cải thiện cuộc sống khó khăn ở Zimbabwe, nơi có tới 80% lực lượng lao động và lạm phát tăng cao nhất thế giới.

“Giá cả các mặt hàng đã bắt đầu tăng vọt. Quyết định này sẽ không giúp gì cho cuộc sống nghèo khổ của tôi”, anh John than phiền.

Thống đốc Ngân hàng TƯ phải quyết định đổi tiền vì tỷ lệ lạm phát quá cao khiến cho hệ thống máy vi tính của Zimbabwe bị nhiễu loạn. Máy vi tính, máy tính điện tử và các loại máy móc khác của ngân hàng ở Zimbabwe không thể giải quyết được lượng giao dịch quá lớn của hàng ngàn tỷ đô la.

Theo con số công bố chính thức, lạm phát ở Zimbabwe vừa tăng lên mức 2,2 triệu phần trăm, nhưng các chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, mức lạm phát thực sự phải là 12,5 triệu phần trăm.

Nhà kinh tế John Robertson cho rằng, tiền mới sẽ sớm mất giá khi lạm phát tiếp tục tăng phi mã. Ông Robertson dự báo trị giá của đồng 1 đô la Z sẽ bằng đồng 20 đô la Z vào cuối tháng tới.

“Quyết định trên chỉ tập trung vào triệu chứng của vấn đề. Tuy nhiên, căn nguyên thực sự là do sự khan hiếm của mọi thứ hàng hóa đang đẩy giá cả tăng cao”, ông Robertson phân tích.

H.D
Theo AP

MỚI - NÓNG