Zimbabwe khủng hoảng, vai trò của Trung Quốc bị soi

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2014. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2014. Ảnh: Getty Images.
TP - Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Zimbabwe trong chuyến công du châu Phi năm 2015, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe chào đón nồng nhiệt nhà lãnh đạo Trung Quốc và gọi hai nước là những đồng minh gắn bó. “Trung Quốc là người bạn trong mọi hoàn cảnh của Zimbabwe”, ông Mugabe nói trước báo giới.

Giờ đây, chưa đầy 2 năm sau chuyến thăm đó, vị tổng thống 93 tuổi Mugabe, người đã lãnh đạo Zimbabwe gần 40 năm, đang phải đối mặt tương lai không sáng sủa khi bị chính các tướng quân đội dưới quyền mình quản thúc tại gia. Chưa đầy 2 tuần trước cuộc chính biến ở Harare, Bộ trưởng Quốc phòng Zimbabwe, ông Constantino Chiwenga, thăm Bắc Kinh và có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, cuộc gặp hôm 5/11 là một cuộc “trao đổi quân sự bình thường mà hai nước đã thống nhất từ trước”. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin nói rằng, ông Chiwenga, nhân vật dẫn đầu trong vụ lật đổ Tổng thống Mugabe lần này, đã tìm kiếm sự hậu thuẫn của Trung Quốc cho kế hoạch chống lại ông Mugabe.

Một số nhà quan sát cho rằng, khó có khả năng Bắc Kinh trực tiếp ủng hộ sự thay đổi chế độ ở một nước khác. Washington Post dẫn lời ông Todd Moss, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu và là cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nói ông không nghĩ rằng Trung Quốc khuyến khích thay đổi chính phủ ở châu Phi. “Đó không phải cách làm của người Trung Quốc”, ông Moss nói.

Quan hệ lâu đời

Quan hệ của Trung Quốc với Zimbabwe có từ lâu. Trong cuộc chiến chống lại chính phủ Cecil Rhodes, thủ lĩnh phong trào nổi dậy khi đó là ông Mugabe đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh sau khi không thuyết phục được Liên Xô ủng hộ nhóm vũ trang Liên minh quốc gia châu Phi Zimbabwe do ông đứng đầu. Trung Quốc và Zimbabwe chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày độc lập của Zimbabwe, ngày 18/4/1980. Năm sau đó, ông Mugabe thăm Trung Quốc.

Trong khi ngày càng bị nhiều nước cô lập trong những năm qua, ông Mugabe gia tăng xin hỗ trợ từ Trung Quốc. Năm 2003, Zimbabwe triển khai chính sách “Hướng Đông” để tìm kiếm các đối tác quốc tế mới sau khi quan hệ với châu Âu xấu đi. Trung Quốc nhanh chóng trở thành quốc gia có ảnh hưởng lớn ở Zimbabwe. Từ năm 2010 đến 2015, Trung Quốc cung cấp cho Zimbabwe hơn 1 tỷ USD tiền vay lãi suất thấp, và Zimbabwe trả ơn bằng cách biến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thành một trong những đồng tiền chính thức của họ.

Cá nhân ông Mugabe cũng thường xuyên dành những lời ca ngợi cực kỳ tốt đẹp cho lãnh đạo Trung Quốc. Ông Mugabe đã đứng lên bênh vực ông Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi năm 2015 tại Johannesburg. “Ông ấy đang làm cho chúng tôi điều mà chúng kỳ vọng vào những người đã biến chúng tôi thành thuộc địa từ ngày hôm qua trở về trước”, ông Mugabe nói để đáp lại những chỉ trích về đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi. “Chúng tôi sẽ nói rằng ông ấy là người được Chúa cử xuống”, Tổng thống Zimbabwe nói.

“Người Trung Quốc được coi như đấng cứu thế tiềm năng ở Zimbabwe. Có những lời hứa hẹn rất lớn rằng người Trung Quốc sẽ chuyển biến nền kinh tế của Zimbabwe”, nhà nghiên cứu Moss nói. Rốt cục, điều đó không xảy ra, và một phần nguyên nhân được cho là do bản thân Tổng thống Mugabe.

Ông Yun Sun, một chuyên gia nghiên cứu về đầu tư Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng, việc ông Mugabe thích quốc hữu hoá và bản địa hoá trong các chính sách kinh tế của mình, cộng thêm bất ổn chính trị trong nước, khiến các dự án đầu tư của Trung Quốc trở nên rủi ro và dẫn đến “nhiều phàn nàn và than phiền” ở Bắc Kinh. Ông Sun nói rằng, Trung Quốc sẽ không chủ động ủng hộ kế hoạch loại bỏ ông Mugabe, nhưng “nếu trong bản thân nước đó có phong trào khiến ông ấy phải ra đi thì Trung Quốc sẽ không cổ vũ cho ông ấy”.

Trong những tuyên bố chính thức, Trung Quốc không thể hiện nhiều ủng hộ dành cho ông Mugabe. Trong phát biểu ngày 16/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và Zimbabwe sẽ không thay đổi vì tình hình ở nước này, và rằng Bắc Kinh hy vọng “tình hình ở Zimbabwe sẽ sớm ổn định và các vấn đề sẽ được giải quyết một cách hoà bình và hợp lý”.

Trong khi đó, bài viết đăng mục ý kiến riêng trên báo Trung Quốc Global Times (Thời báo Hoàn cầu) bày tỏ quan điểm tích cực về cuộc đảo chính. “Chúng ta có lý do tốt để tin rằng khi Zimbabwe bước vào thời kỳ hậu Mugabe, Trung Quốc sẽ nhìn thấy môi trường được cải thiện để hợp tác với đất nước này”, nhà nghiên cứu Wang Hongyi ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc viết.

Bình luận này từ Bắc Kinh đối lập với sự im lặng ở Washington, có lẽ phản ánh thực tế rằng vị trí cao nhất phụ trách châu Phi trong Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn bị bỏ trống. Nhà nghiên cứu Moss cho rằng, Mỹ thường áp dụng chính sách chờ đợi đối với ông Mugabe, và giờ là cơ hội để Washington thúc đẩy các vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Zimbabwe.

(theo Washington Post, Guardian, Global Times)

MỚI - NÓNG