Ði đọc sách ở Ðức

Cuộc đọc sách ở Offenbach.
Cuộc đọc sách ở Offenbach.
TP - Ở NÜrnberg, thành phố có tòa án xử tội phạm Chiến tranh Thế giới Thứ hai, vé dự buổi đọc sách của nhà văn đến từ Việt Nam là 8 EUR. Nghe xong tôi sợ quá. Ðọc sách mà bán vé ư? Ai đến nghe.

Những ấn tượng ban đầu

Nhưng rất lạ. Buổi tối mưa lất phất. Trời lạnh, độc giả đến nghe đọc sách gồm 50 người, ai cũng mua vé 8 EUR. Giống như các điểm đọc sách ở thành phố khác, độc giả hầu hết trung niên hoặc cao tuổi. Bà Marianne bảo: Ở Đức bây giờ thanh niên cũng ít đọc sách.

Buổi đọc sách ở thư viện Nürnberg, tiểu bang Bavaria được sự bảo trợ của Sở Văn hóa và Giải trí, phối hợp văn phòng Đa văn hóa, Đào tạo của thành phố. 8 EUR đã sợ, đến Hamburg, thành phố công nghiệp đồ sộ, vé vào cửa là 14 EUR. 17 giờ, người soát vé đứng ở cửa, người nghe lần lượt đi vào, trật tự nghiêm túc. Có ba khuôn mặt trẻ châu Á nhưng chắc không phải người Việt.

Buổi đọc sách ở Hamburg thật ấn tượng vì cuốn Nhiệt đới gió mùa in ở NXB Argument, một NXB có khuynh hướng chính trị. Tôi đọc sách xong, thấy người ta mua sách tấp nập. Nhiều người xin chữ kí. Có một người độ tuổi trên 40 in ba cái ảnh của tôi trên mạng, khổ to, giấy tốt, chuẩn bị cả bút để  tôi kí vào đó như cầu thủ. Ba ảnh loại xấu gần bằng người ở ngoài nhưng anh ta bảo đẹp lắm! Có cô giáo nói cô ấy đã giảng cho học sinh về truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi trong tập sách đã dịch in, tập Những bi kịch nhỏ, NXB Mitteldeutscher và học sinh của cô rất thích, rất tò mò về chiến tranh Việt Nam.

Đến Hamburg, được làm thượng khách của thành phố. Đoàn 4 người, họ cho hai xe sang trọng đến khách sạn đón. Hai chàng lái xe đẹp trai, một người từng đến Sài Gòn, chỉ có điều không ưa là Việt Nam sao để nhiều rác thế?

Ở buổi đọc sách, các biên tập viên cuốn Nhiệt đới gió mùa hỏi sao trong câu chuyện lại nhiều bạo lực, chết chóc? Buổi đọc sách ở Hamburg làm ông Günter Giesenfeld, người thiết kế chuyến đi Đức của tôi thốt lên: Cô là quý giá lắm đấy! Ông ấy còn bảo giá như cô mặc áo dài.

Tập truyện Bi kịch nhỏ do ông Günter Giesenfeld và bà Marianne Ngô dịch in năm 2011. Tiểu thuyết Nhiệt đới gió mùa cũng do hai ông bà dịch, in 2017. Hai cuốn sách ở hai thành phố xa nhau.

Sách in cần được giới thiệu rộng rãi và họ mời tác giả từ 2016. Vướng nhiều chuyện gia đình, năm 2017 tôi mới thực hiện chuyến đi. Suốt một năm, Hội Hữu nghị Đức-Việt chuẩn bị cho tôi một danh sách thành phố tôi cần đến. Bắt đầu là Marburg. Đến Offenbach – đến Halle – Leipzig – Regensburg – Sulzbach-Rosenberg – Nürnberg - Hamburg, cuối cùng là thành phố Düsseldorf. Điểm đọc sách có thể ở thư viện, hiệu sách hoặc trung tâm văn hóa. Marianne Ngô, một phụ nữ Đức tiêu biểu, tóc vàng cao lớn, cởi mở, thường bắt đầu buổi đọc sách bằng nụ cười dễ chịu: Giới thiệu với các bạn, nhà văn Việt Nam. Thường tôi đọc một trang trong truyện Bi kịch nhỏ bằng tiếng Việt. Sau đó Marianne Ngô đọc toàn bộ câu chuyện bằng tiếng Đức. Độc giả nghe chăm chú vì người Đức như vậy, không thích thì họ không đến còn đã đến một sự kiện nào đó họ ngồi lịch sự từ đầu, không ai bỏ về giữa chừng để làm loãng không khí, làm diễn giả mất hứng.

Bà Marianne đọc xong, ông Günter nói về văn học Việt Nam, về những tác giả tiêu biểu mà ông được biết và về nhà văn ông dịch. Ông nói nhiều về tôi, về con đường tôi đi để sáng tác và mục đích Hội Hữu nghị Đức - Việt tổ chức cho tôi chuyến đi. Phần hứng thú nhất là giao lưu với độc giả. Những người Đức trong Hội Hữu nghị và cả những người không trong hội đều rất quan tâm tới một đất nước cách xa họ. Ở Marburg, có người lái xe hơn 100 cây tới buổi đọc sách. Ở nhiều thành phố có người như đi theo đoàn, họ đến thành phố tiếp theo mà đoàn đến. Những câu hỏi thiện chí. Có lẽ họ thấy mình không có vẻ gay cấn. Toàn những chuyện mình có thể trả lời trơn tru. Chị nói báo chí và văn học không thay đổi được gì? Tại sao? Nhân vật Bi kịch nhỏ có thật không? Nhiều người Đức đang đến Việt Nam du lịch? Chị nghĩ sao? Truyện Bi kịch nhỏ có gặp rắc rối? Thông điệp trong tác phẩm của chị là gì? Khi tham gia chiến tranh chị có lý tưởng gì? Chị có mang tư tưởng cộng sản đến bây giờ? Việt Nam đang theo hình thức xã hội nào? Có bao giờ chị tiếc nuối đã bỏ phí rất nhiều thời gian cho chiến tranh và tham gia nó từ khi còn ít tuổi?…

Những câu hỏi đại loại thế và ai cũng có vẻ hài lòng khi tôi như “chia sẻ” với họ.

Nhiều sự ưu ái đối với những người đi trong đoàn đọc sách. Ở thành phố Sulzbach-Rosenberg, công đoàn thành phố tài trợ chút ít cho những người đọc sách để lo xăng xe. Người tổ chức đọc sách ở thành phố này nói: Ở Đức có một số người rất ghét cộng sản. Liệu Bi kịch nhỏ có gây ra một cái gì như xung đột giữa người đọc và người nghe? Nói với ông ta: Ông yên tâm, ngay ở Việt Nam câu chuyện này cũng êm rồi!

Người Đức hỏi một vấn đề cụ thể là họ muốn trả lời chính vào việc đó, không vòng vo không màu mè. Ở tất cả các điểm đọc sách người ta quan tâm đến đời sống hàng ngày của người Việt, tương lai của đất nước, những vấn đề sau chiến tranh. Ít có câu hỏi làm mình khó. Thực ra những câu hỏi khó thường ẩn sau những câu hỏi có vẻ thông thường. Việt Nam đang theo hình thức xã hội nào? Người Việt đối với nhau thế nào khi ở hai phía đối địch trong chiến tranh?

Có vài thành phố đông đúc khác, và hùng mạnh, như Hamburg, như Frankfurt. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất thường ở các thành phố nhỏ, nơi người ta đến với buổi đọc sách như được gặp một cái gì khác biệt. Có một người phụ nữ ở Regensburg khi nghe tôi nói tác động văn học đã đến gần và nói: Nhờ văn học mà mẹ tôi biết đến Việt Nam, biết đến cuộc chiến tranh. Trong Thế chiến Thứ hai, cha tôi đã gây ra rất nhiều tội ác và mẹ tôi không thể nguôi ngoai điều này. Nhưng nhờ có cuộc chiến tranh Việt Nam, mẹ tôi được an ủi rất nhiều vì nơi đó con người đang chống lại cái ác…

Ði đọc sách ở Ðức ảnh 1 Chuyến đi thành công một phần nhờ sự góp sức của Aurora Ngô (Ánh Dương, bìa phải), phiên dịch tiếng Ðức.

Những người bạn

Ở Đức, người cao tuổi thường có đời sống rất tích cực. Như ông Günter, bà  Marianne Ngô và những người bạn của họ. Trên 70 tuổi đi đứng thẳng thớm, lái xe chạy hàng sáu bảy trăm cây số. Nhiều người 80 tuổi vẫn đi bộ đến buổi đọc sách. Vào nhà họ mới ấn tượng. Vài người không con cái, sống một mình nhưng hàng ngày vẫn chăm chút căn phòng với sách vở, rồi làm vườn, rồi đi đến các sự kiện văn hóa. Không thấy có sự trễ nải do tuổi cao.

Günter Giesenfeld là giáo sư ngành ngôn ngữ Đức, ông dạy ở Marburg, sống ở đó luôn vì quê ông ở thành phố này. Ngoài ngôn ngữ Đức ông còn dạy thêm môn nghiên cứu công nghệ thông tin. Về hưu ông vẫn dạy thêm về công nghệ thông tin, kĩ thuật quay phim chụp ảnh, chấm luận văn tiến sĩ và đi thỉnh giảng các nơi trên thế giới. Ông là chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt, từng gặp gỡ rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới. Ông sưu tầm máy ảnh, máy quay phim trong 50 năm. Marianne là cô giáo trước khi về hưu. Hai ông bà có phòng trưng bày máy quay phim chụp ảnh, hàng trăm chiếc máy cả ở nhà, cả ở phòng trưng bày. Hai ông bà say mê với công việc này và làm rất nhiều việc cho Việt Nam. Họ dịch sách, thiết kế chuyến đi cho Nguyễn Huy Thiệp trước tôi. Bạn bè họ rất đông ở các thành phố tôi đến đọc sách. Nhờ bạn bè giúp đỡ địa điểm, quảng cáo, giấy mời… Chuẩn bị suốt hơn một năm.

Một người yêu quý nữa là Ánh Dương tên Việt, và Aurora Ngô tên Đức. Cô sinh ở Đức, cha mẹ người Việt nên thông thạo tiếng Đức, tiếng Việt. Cô học giỏi và sẵn sàng làm việc thiện nguyện. Đi phiên dịch cho tôi mà không có thù lao, tận tâm, dịch giỏi.

Ở Halle, thành phố có NXB in cuốn Bi kịch nhỏ, buổi đọc sách bắt đầu đông thì có chàng người Việt mặc vest hở ngang tàng hai tay đút túi đến. Anh chàng có vẻ hạ cố khi đến đây. Thấy tôi đứng cùng Aurora, anh ta lớt chớt: Thấy các chị NXB quảng cáo ghê quá, đến xem thử.

Anh ta bắt đầu chê bai, vì năm rồi có về nước. Nhìn anh ta thấy dáng dấp một anh chàng xuất khẩu lao động quê ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Anh ta khoát tay: Chán mớ đời. Mình giới thiệu cho mấy thằng Đức cùng công ty đi Việt Nam. Biết sao không? Về gặp lại mình mấy thằng lảng hết, hỏi không thèm trả lời. Thề là không bao giờ đến nước của mày nữa. Ghê tởm. Xem vậy là mình mất hết cả bạn.

- Sao lại thế? - Tôi hỏi.

- Ơ, thì chỗ nào cũng ghê tởm mà. Tôi về có mấy ngày là phải chuồn chuồn!

- Nhưng ở đấy còn 90 triệu người sống mà. Có cả gia đình họ hàng của cậu nữa. Họ biết đi đâu?

Tôi đã quen với mấy anh chàng kiểu này nên nói chuyện cho vui. Nhưng Aurora phẫn nộ kéo tay tôi: Đi thôi cô ạ.

Đoàn 4 người đi qua 8 thành phố, dự 8 buổi đọc sách và buổi nào cũng thành sự kiện vui vẻ. Có ngày đi 600 cây, đến nơi là làm việc. Thường các buổi đọc sách kết thúc muộn vì còn chương trình ký sách, giao lưu, trò chuyện kéo dài.

Hiếm người châu Âu nào tôi gặp có cái vẻ hiền hậu dễ mến như Wolfgang. Ông tầm thước, tóc hoa râm, nhanh nhẹn như dân chơi thể thao. Ông giúp thuê hội trường, quảng cáo và khi buổi đọc sách diễn ra suôn sẻ, ông còn vui hơn cả chúng tôi. Nhờ ông mà tôi có được một phần thưởng quý giá: được xem opera Ý. Đoàn opera Ý đến Frankfurt biểu diễn trong nhà hát lớn chật ních người xem, một vở của Verdi. Không biết tiếng, không nghe rõ lời nhưng tôi cảm nhận hết sự cao cả của âm nhạc Verdi, cảm nhận được sự xúc động của cả nhà hát đang lặng đi. Và khi trở về, tôi nhớ mãi con đường đưa tôi đi qua các vùng của nước Đức. Hai bên đường là những cánh đồng màu mỡ, nhiều ngô. Các rừng thông tươi tốt và cái vẻ xanh thẫm trầm lặng của thiên nhiên tươi đẹp làm yên tĩnh lòng người.

Những buổi tối đọc sách lại gặp sự nồng nhiệt của độc giả yêu văn học. Họ không tay bắt mặt mừng, không ồn ào nhưng hoàn toàn là những người bạn thấu hiểu, cảm thông, lắng nghe đến cùng những điều ta muốn nói qua tác phẩm văn học.

MỚI - NÓNG