V.League rón rén vào mùa

V.League rón rén vào mùa
TP - Tình hình tài chính khó khăn đã khiến nhiều đội bóng lớn, vốn nổi tiếng đốt tiền không còn giữ được độ bạo chi, không còn nhiều bản hợp đồng bom tấn. V.League 2012 rón rén bước vào mùa giải mới.

> NHững HLV thất nghiệp cao giá

Thương vụ đáng chú ý nhất cho đến thời điểm này ở V.League có lẽ là trường hợp thủ môn Tấn Trường (TĐCS.Đồng Tháp) về FC Sài Gòn, đội bóng có tiền thân là Sài Gòn Xuân Thành của bầu Thụy.

Hợp đồng của cựu thủ môn ĐTQG và U23 VN được cho là có giá trị không dưới 12 tỷ đồng. Con số có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng nếu thấp hơn cũng không đáng kể.

Ngoài Tấn Trường, FC Sài Gòn còn đưa về sân Thống Nhất một loạt cầu thủ mới, bao gồm cả những cầu thủ thành danh như Nguyễn Rogerio, Antonio hay trung vệ Huỳnh Quang Thanh…Với tổng chi phí đầu tư vào thị trường chuyển nhượng ước đoán trên dưới 40 tỷ đồng, FC Sài Gòn là một trong những đội bóng chịu chi nhất V.League mùa giải năm nay.

Một đội bóng khác rót khá nhiều tiền cho việc tăng cường lực lượng là B.Bình Dương.

Chủ tịch CLB Nguyễn Minh Sơn trong một lần trao đổi gần đây với Tiền Phong đã lên tiếng phủ nhận thông tin về giá trị các bản hợp đồng tiền tỷ của đội bóng đất Thủ như tiền đạo Việt Thắng (The Vissai Ninh Bình), được nói không dưới 9 tỷ đồng hay tiền đạo Tăng Tuấn (HA.GL) cũng có giá 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế B.Bình Dương là đội bóng đầu tư mạnh về lực lượng nhất. Nếu cộng cả bộ ba cầu thủ của Thanh Hóa: Công Huy-Quang Vinh-Tuấn Tùng và Huỳnh Phú (ĐT.LA)..., B.Bình Dương đã đem về sân Gò Đậu gần chục cầu thủ mới.

V.Hải Phòng, Thanh Hóa…cũng là những đội bóng có nhiều thay đổi về lực lượng nhất ở mùa giải năm nay. V.Hải Phòng ngay sau khi V.League 2011 kết thúc đã lấy nguyên bộ ba cầu thủ ngoại của SLNA, Kevin-Ansah-Fagan.

Chưa kể để mua tiền đạo Đình Tùng (Thanh Hóa), Hữu Hùng (Đà Nẵng), Văn Ngân (Đồng Tháp), Thanh Phúc (Hòa Phát Hà Nội), V.Hải Phòng cũng phải chi gần 20 tỷ đồng nữa.

Thanh Hóa, theo thông báo từ lãnh đạo đội bóng này, ngân sách trong năm 2012 khoảng 80 tỷ đồng.

Dĩ nhiên, nếu so với ngân sách cho chuyển nhượng không dưới 50 tỷ đồng ở mùa giải trước, mức chi của một số đội bóng đã giảm đáng kể. Dễ nhận thấy là ngoài số ít các ông lớn trước đây đang nỗ lực lấy lại vị thế ở V.League (như B.Bình Dương), hay các đội bóng mới (như FC Sài Gòn), các đội bóng khác đều không còn bạo chi như trước.

Điển hình như Hà Nội T&T, ngoài việc giữ chân được tiền đạo Samson Keyode, đội bóng của bầu Hiển không có thêm gương mặt nào đáng chú ý. Hà Nội T&T thậm chí để mất cả tiền đạo Lê Công Vinh vào tay của bầu Kiên, với nguyên nhân một phần (quan trọng) được cho là xuất phát từ vấn đề tài chính.

HA.GL của bầu Đức cũng tương đối im ắng trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, trường hợp của Gỗ có thể được giải thích bởi một lý do khác nữa, là bầu Đức đã chuyển hướng đầu tư cho học viện bóng đá trẻ, không còn chạy đua thành tích mạnh như trước kia.

Một số nhà quản lý thể thao đã cho rằng, với tình hình tài chính bất thuận hiện nay, nhiều CLB sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, với các CLB có doanh nghiệp mẹ hoạt động đơn ngành: địa ốc, vật liệu xây dựng…tình hình càng trầm trọng hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG