“Vua thép” Cảng Sài Gòn và “đôi tay vượn” của thủ môn Klymenko

“Vua thép” Cảng Sài Gòn và “đôi tay vượn” của thủ môn Klymenko
Chưa thua trận nào từ đầu giải (3 thắng, 4 hoà), Thép miền Nam Cảng Sài Gòn đã nhảy lên vị trí đầu bảng xếp hạng.

Không ai ngờ được đội bóng vừa trở lại hạng chuyên nghiệp và thực lực “bị khoanh” vào nhóm có khả năng rớt hạng từ đầu mùa giải nhưng lại xếp trên những anh tài từng lên tiếng “đăng ký” 3 vị trí có huy chương của V-League 2005 như Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm Long An, Bình Dương và tiềm tàng cả Đà Nẵng.

Với thành tích 3 trận bất bại trong tháng 3, đội bóng này đang là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu “đội bóng xuất sắc nhất tháng 3” và nếu không có gì bất ngờ thì thủ môn Yuri Klymenko  sẽ nhận danh hiệu “cầu thủ xuất sắc nhất tháng”.

Đúng là không ai ngờ. Thực lực không thật sự ấn tượng, toàn cầu thủ ngoài “băm”, chỉ có vài ba cầu thủ dưới 23 tuổi trong đội hình chính với 3 cầu thủ người Ucraina thế mà đội bóng này cứ... tì tì có điểm trên sân nhà lẫn sân đối phương.

Trong 3 trận thắng thì có 2 trận trên sân đối phương (Gò Đậu của  Bình Dương, Hàng Đẫy - Hà Nội) và 2 trận thắng với tỷ số 3-1 (trận thắng còn lại với tỷ số 1-0). Các đội mạnh hoặc là bị cầm chân (Gạch ĐTLA, HAGL, Hoa Lâm Bình Định) hoặc là thất trận (Bình Dương, Sông Đà Nam Định).

Đâu là sức mạnh của đội? Đó là sự biết mình biết người của HLV và các cầu thủ. Nếu cứ giăng ra đá, Cảng Sài Gòn chắc thua tất cả các đội mạnh. HLV Đặng Trần Chỉnh đã liệu cơm gắp mắm với lực lượng của mình và đề ra chiến lược để hạn chế điểm yếu của mình và điểm mạnh của đối phương.

Không để cho đối phương có khoảng trống gần cầu môn của mình, đó là mệnh lệnh đối với các cầu thủ Sài Gòn. Đây là điểm mấu chốt khi TMN.CSG đá với các đội mạnh.

Không có khoảng trống để phối hợp nhóm, hầu hết đối phương phải giở bài sút xa hoặc câu bổng vào trước cầu môn cho tiền đạo nhảy lên tranh chấp, thế nhưng cả hai chiến thuật này đều bị phá sản bởi thủ môn Klymenko.

Với chiều cao 1m88 cùng đôi “tay vượn” và sự phán đoán chính xác, sự dũng cảm có thừa, Klymenko đã chiến thắng gần như tất cả những quả sút xa, những quả chuyền bổng. Không chỉ giỏi không chiến, vũ khí chống phá những quả sút gần của anh cũng tuyệt vời.

Một trận đấu anh thường phá được vài quả thua mười mươi. Sự tập trung cao độ, sức bật và sự nhanh nhẹn có thừa của cầu thủ đã 30 tuổi này đã làm nản lòng các chân sút rất có duyên ghi bàn như Kiatisak (HAGL), Kesley, Rogerio (Bình Dương), Nirut, Narongchai (HL.BĐ).

Sức mạnh khác của TMN.CSG là tinh thần thi đấu nghiêm túc, quyết tâm của cầu thủ. Không ai thi đấu hời hợt, không ai có ý định bỏ cuộc giữa chừng, đó là TMN.CSG. Sự lỳ lợm, thậm chí là nhẫn nhục đến kinh ngạc của các cầu thủ đã giảm thiểu sức mạnh của đối phương.

Nhiều người vẫn đánh giá cao đội Hoà Phát Hà Nội hơn là TMN.CSG trong trận đối đầu Thép - Thép chiều 27/3. Tấn công nhiều hơn, dồn dập hơn, thể lực “sung” hơn nhưng Hoà Phát lại thua một chiến thuật thực dụng là “hoà để thắng” của HLV Đặng Trần Chỉnh, mà thua đến 3 bàn. Nghệ thuật dùng lão tướng của ông Đặng đáng để cho các HLV trẻ học tập.

Cũng phải nói đến yếu tố may mắn trong thành công của TMN.CSG. Chính HLV họ Đặng đã thừa nhận điều này. Dù Klymenko rất nhiều tài năng nhưng xà ngang, cột dọc đã nhiều lần “cứu” thua cho đội. Đó là một thực tế và đội bóng này phải... cảm ơn trời vì sự may mắn đó.

Mừng cho TMN.CSG. Danh hiệu “Đội bóng xuất sắc nhất tháng” có thể đến với họ. Nói là có thể vì Bình Dương tháng 3 cũng có thành công như TMN.CSG: thắng HAGL 3-1 trên sân nhà, thắng Hoà Phát 2-1, hoà SĐ.Nam Định 3-3 trên sân đối phương trong khi TMN.CSG thắng SĐ.Nam Định 3-1 trên sân nhà, hoà HL.Bình Định 0-0, thắng Hoà Phát 3-1 trên sân đối phương. Hiệu số của Bình Dương trong tháng 3 là 8-5 ( + 3), của TMN.CSG là 6-2 (+ 4). Đội bóng thành phố mang tên Bác thắng thế về hiệu số.

Một đội bóng chỉ khiêm tốn trụ hạng nhưng đã làm được điều thần kỳ là dẫn đầu giải sau 7 vòng đấu. Đó là một kỳ công. Không thể nói cách khác.TMN.CSG đúng là... “vua Thép”. 

MỚI - NÓNG