Quê nhà

Quê nhà
TP - Chị từ dưới quê lên thăm má. Chiếc xe ôm dừng trước con hẻm, chị bươn bả chạy vào. Để ngửa cái nón trước thềm, bước vào nhà, chị gọi:
Quê nhà ảnh 1

- Má ơi!.

Má đang nằm nghe tiếng gọi cựa mình:

- Đứa nào đó bay?

- Con Loan đây má.

Má nghiêng người đưa mắt nhìn chị:

- Mồ tổ mày, sao không để tao chết rồi đến! Đến chi sớm hả con?

Chị quỳ xuống cạnh đầu gường má nằm, rưng rưng nước mắt, choàng tay đỡ má ngồi dậy lấy khăn quấn vào cổ má. Má nắm tay chị bóp nhẹ:

- Tội nghiệp con quá, sao dạo này gầy quá vậy con?

- Mấy hôm rày cu Tý ấm đầu, thức trắng đêm ngang ngược khó hoài má à!

Nghe tiếng chị, tôi từ trên gác xuống đon đả chào, chị đứng dậy ôm tôi vào lòng bịn rịn. Chị hỏi:

- Diệp, đâu em?

- Dạ, vợ em đi làm chưa về. Hôm nay em xin phép cơ quan nghỉ ở nhà chăm sóc cho má.

- Nghe tin má bệnh mà thằng cu Tý cũng bệnh nên... Ở trên này em chăm sóc má giùm chị nghen em! - Chị vừa nói vừa rấm rứt khóc. Rồi chị lấy trong giỏ lác ra một miếng thịt heo nạc bằng bàn tay và một lát cá thu:

- Má ngồi nghỉ cho khỏe. Con đi nấu cháo cho má ăn nghen!

Má gật đầu ngồi dựa lưng vào vách tường. Chị xuống nhà dưới bầm thịt nạc thật nhuyễn...

Ngày trước nhà tôi ở xóm Lẫm, ngôi nhà nọc ngựa (cột chôn) ngửa mặt ra dòng sông hứng những cơn gió trong lành mát rượi, phía bên kia sông là đồng vắng mênh mông. Xung quanh nhà lũy tre xanh rào kín con gà không chui qua lọt.

Cạnh bờ tre sau nhà có con rạch bàu Đình, nơi má trồng rau muống. Hàng ngày, sáng chị gánh rau muống vào trong chợ Xổm bán, chiều về đi làm đồng.

Má kể, lúc má sinh chị đâu có bệnh viện hay trạm xá như bây giờ. Trưa, má đang ngồi nấu canh rau ngót, bỗng thấy đau ran dưới bụng, vô giường nằm một lát thấy... im, tưởng là đau bụng gió.

Trở ra bếp nếm nồi canh, mới ngồi xuống thấy đau nhói, tức xương sống muốn gãy. Má hiểu ngay là đau bụng chuyển dạ. Ba cũng vừa đi cày về, má giục ba đi gọi “bà mụ” trong xóm đến sinh tại nhà... mẹ tròn con vuông.

Khổ nỗi má mất sữa do sức khỏe gầy yếu, bồng con ốm tong, ốm teo trên tay mà nước mắt tuôn trào. Chiến tranh loạn lạc, giặc Mỹ đốt phá xóm làng, chúng đi đến đâu là ở đó nhà cửa tan hoang. Đói khổ, “bụng mang, dạ chửa” có lúc má ăn sắn thay cơm cả tuần.

Chị càng lớn, càng giỏi giang ngoan hiền, ba mất lúc chị mới mười lăm tuổi, tôi mới lên mười. Công việc đồng áng từ khâu cày bừa đến khâu cấy dặm một mình chị đảm trách.

Má thường nói, chị giống ba, khỏe người! Hồi còn sống ba làm không biết mệt, buông cây cày bắt cây cuốc. Chị cũng vậy, đi làm đồng về tối tranh thủ ngồi đan ky giỏ, rổ rá... Con trai lối xóm làm chuyện gì chị cũng làm được chuyện đó. Thấy họ ngồi đẽo đòn gánh, đòn xóc chị cũng về đẽo đòn gánh, đòn xóc.

Hôm mưa to gió lớn, nhánh ổi sau hè quặt cần câu sà xuống đụng mái nhà, gió đong đưa qua lại cọ nát mấy tấm rạ, má định sang nhờ anh hàng xóm qua lợp lại giùm, chị ngăn không cho má đi.

Má bảo: “Con gái mà leo lên mái nhà là không “nên” con à!”. Chị cười: “Mớ gì...!”. Rồi vác thang tre leo lên lợp lại tấm rạ. Xong, chị nói với má: “Nhờ vả người ta chi mang ơn mang nghĩa má!”.

Hai mươi tuổi suýt nữa chị bị chết đuối. Sáng sớm, gánh rau muống đi trên bờ ruộng cong vênh vào chợ Xổm, giữa đường cây đòn gánh lâu ngày bất thình lình gãy... bốp! Hai ky rau muống văng ra.

Đang trớn chạy, chị mất thăng bằng ngã, lăn xuống ao sâu ngoi ngóp trong sương lạnh mùa đông. Vừa lúc đó có người đi giở trúm lươn sớm nhào đến cứu chị. Như một định mệnh người ân nhân đó bây giờ là chồng chị.      

Anh rể tôi bị bại liệt một cánh tay không biết tự bao giờ? Từ nhỏ tới lớn anh không biết cha mẹ mình là ai, cũng không có người quen nào nhắc đến tên cha mẹ anh?

Anh là một đứa trẻ lạc loài sau chiến tranh. Cánh tay bại liệt kia chắc có “tật” từ trong bụng mẹ. Lớn lên anh làm thuê làm mướn mà mỗi lần làm thuê mướn cho nhà nào là ăn ở nhà đó.

Số trời dun dủi anh gặp ông bà hai Hồng - gia đình kinh tế khá giả, có con ở trên thành phố. Ông bà Hai Hồng nhận anh làm con nuôi, căn phòng anh ở chung với gian “bếp nấu”.

Hàng ngày anh quét dọn lau chùi bàn ghế nhà cửa từ trong đến ngoài, xong việc anh đi thả trúm lươn bán kiếm tiền. Hôm nào có đoàn cải lương về diễn ở ngã ba cây Sung, anh lấy tiền mua vé xem.

Anh rất thích cải lương... Xem mấy tuồng cải lương “thảm” là anh chảy nước mắt, mấy người lớn trong xóm thấy vậy, cười: “Cái thằng đàn ông, con trai gì mà mủi lòng dữ vậy không biết!”.

Có đoàn cải lương về là anh không bỏ đêm nào, có hôm buồn ngủ quá, ngủ quên đến nửa buổi. Trời xui đất khiến sao tối đó anh đi xem cải lương, vậy mà sáng ra anh đi giở trúm sớm, gặp lúc cứu chị thoát khỏi tay tử thần.

Má mang ơn gán ép anh cho chị. Má bảo với chị: “Nó côi cút, tật nguyền mà biết ăn ở là được con à!”.Từ khi má tôi định ngày hỏi cưới, anh về thưa lại với ông bà hai Hồng. Ông Hồng gạn hỏi, anh trả lời một mạch...

Trước ngày đám cưới một tuần lễ, đêm nào mẹ cũng đóng hé cánh cửa ngồi sên đường thủ thỉ căn dặn chị tôi: “ Về nhà chồng phải ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Nấu canh đổ nước vừa đủ, đừng đổ nước nhiều ăn không hết bỏ mứa là không nên. Nói năng phải suy nghĩ chín chắn. Ở với mẹ có sai chút đỉnh mẹ cũng bỏ qua cho, còn về nhà chồng, cha mẹ chồng bắt phép bắt lẽ là khổ lắm con à!”.

Chị tôi ngồi yên lặng đăm chiêu nghe từng lời căn dặn của mẹ. Dưới ánh đèn dầu hiu hắt, đôi mắt chị đượm buồn vì lo sợ, cơn gió về khuya se lạnh, đôi môi chị run nhẹ...

Lúc đầu chị rất sợ phận làm dâu, nhưng ông bà Hai Hồng nổi tiếng giàu có, giọng nói rổn rảng vậy mà tính tình hiền lành yêu thương anh chị như con ruột. Hàng ngày, chị ở sau gian bếp nấu làm vợ hiền cho người chồng côi cút.

Được ông bà Hai Hồng cho “ăn chung mà làm riêng”, vợ chồng chị dành dụm tiền mua xoong nồi, bát đĩa... Cu Tý ra đời tăng thêm niềm vui cho anh chị.

Đùng một cái người con trai đầu lòng của ông bà hai Hồng về nhỏ to xúi giục ông bà bán nhà lên thành phố ở. Sau nhiều đêm bàn qua, tán lại ông bà nghe theo bán ngôi nhà gắn bó hằng bao năm trời.

Đặt chân lên thành phố mới tá hỏa ra con mình bị nghiện ngập, tiền bạc bán nhà cộng với của cải ông đưa hết con đi mua sắm, giờ biến mất. Căn nhà đang ở không phải thuộc quyền sở hữu, mà đó chính là căn nhà con ông thuê, người chủ đến lấy tiền hàng tháng.

Ông bà lưỡng lự: Về quê không xong, ở với đứa khác không được, mỗi nhà mỗi cảnh cho dù con mình. Cuối cùng đành phải ở lại thuê căn nhà nhỏ rồi ra vỉa hè bán hàng vặt vãnh kiếm sống qua ngày...

Từ ngày ông bà hai Hồng bán nhà lên thành phố, anh chị tôi mua đất cất nhà ngoài xóm Soi vùng trũng thấp. Ở đó vắng người buồn tẻ, cả ngày không thấy một bóng người, chỉ có tiếng chim kêu cạnh bờ sông.

Vết thương trong người hồi chiến tranh lại tái phát, má đau ốm liên miên. Ba tháng rồi không thấy chị về. Sáng, má bắt hai con gà giò bỏ vào trong cái rọ heo con, bảo tôi lấy xe đạp chở qua cho anh chị làm giống.

Đến nơi dựa chiếc xe đạp vào gốc cây mít, chị đang gọt đu đủ trộn gỏi thấy tôi, chị vui mừng cuống quýt: “Má khỏe không em?”. “Dạ sức khỏe má dạo này yếu !”. Chị thở dài...

Bữa cơm trưa hôm đó tôi cùng anh chị và cu Tý ăn cơm với đu đủ trộn gỏi, có chén nước mắm dầm trái ớt hĩm chín nổ bồng bềnh.

Anh rể tôi vốn là một người nhà quê hiền từ, ham làm. Chỉ một tay thôi, mà anh làm rất nhiều việc. Từ sáng đến tối mải mê với công việc đồng áng. Chị tôi ở nhà trông nom cu Tý  nuôi thêm mấy con gà, vịt, lợn. Nhiều lúc cu Tý ấm đầu một tay chị bồng con, một tay vo gạo... Chiều dần buông, tôi cút kít đạp xe về...

Ngôi nhà anh chị xung quanh bện bằng tấm phên tre ở tạm được bốn tháng. Thu hoạch đám lúa, bán được ít tiền, thuê công trát vách nhà. Vách trát, đất chưa kịp khô thì lũ đầu nguồn đổ về, mọi vật dụng trong nhà nước cuốn trôi sạch, chỉ còn một bộ đồ dính da.

Dời nhà lên tận thác Dài vợ chồng chị dựng căn nhà giữa đồi lau lách, hành trang mang theo một cái nồi kẹt trong gốc mít nước lũ không cuốn trôi được.

Mượn được thúng lúa của người hàng xóm về giã gạo nấu cơm. Nấu cơm chín xong dỡ cơm ra tấm lá chuối, lấy nồi đổ nước luộc rau. Gian khổ vậy mà anh chị không hề có tiếng qua, tiếng lại… 

Tốt nghiệp đại học tôi ở lại thành phố làm việc trong cơ quan Nhà nước. Một năm sau tôi cưới vợ mua nhà trong con hẻm rồi về quê năn nỉ má lên ở cùng.

Không khí ở thành phố náo nhiệt ồn ào khuấy động sự bình lặng nên mới lên ở một tháng đầu má la nhức đầu hoài. Tôi đưa má cùng vợ trở lại xóm Lẫm vừa thăm lại ngôi nhà cũ vừa thư giãn.

Vợ tôi dân thị thành, mỗi lần về quê đi trên bờ ruộng cong vênh nàng ngán ngẩm. Tôi thuyết phục mãi, cực chẳng đã nàng mới chịu đi. Ở chơi được hai ngày tôi đưa má cùng vợ trở lại thành phố.

Má lên ở với tôi một năm nay, má nhớ chị Loan tính từng ngày. Chị nhiều lần định lên thăm má, nhưng công việc nhà nông tất bật hết mùa gặt lúa thì đến con heo đẻ, heo con vừa bỏ bú thì cu Tý bệnh chạy chữa từ bệnh viện huyện đến thành phố… Cu Tý đỡ bệnh chị thu xếp lên thăm má.

Chị tôi ở chăm sóc má ngày đầu, vợ tôi hỏi han niềm nở, vài ba ngày sau đó nàng coi chị chẳng ra gì. Hình như nàng ghét chị là nhà quê “chính cống” thì phải.

Đối với tôi nàng hay nói bóng, nói gió, nhiều lúc tôi nghĩ hay có má tôi làm cho nàng thêm gánh nặng. Biết vậy nên má bệnh đau tôi chăm sóc, nàng không rớ tay vào.

Trong mỗi bữa ăn nàng nói trỏng: “ Nội nó dậy ăn cơm, nằm mãi không thấy mỏi sao!”. Nàng nói toàn những lời “gây cấn” nên tôi và nàng thường xuyên cãi vã. Nhất là nàng hay nói thêm nói bớt về chuyện tiền nong.

Sống trong sung sướng nhưng tôi với nàng có bức tường ngăn cách dày cộm. Nàng cứ nghĩ cho mình mà không biết nghĩ gì cho người khác. Lúc trưa ăn cơm xong, nàng than:

- Mua nhà nay đã hai năm mà không sắm được bộ sa lon ngồi. Có khách đến ngồi mấy cái ghế nhựa.

Tôi lí nhí:

- Má bệnh, lo thuốc men... ráng vài năm nữa mua cũng được. Em thông cảm!

- Nói nghe vậy thôi chứ tôi đâu trách móc ai đâu. Tôi chỉ trách cho số phận mình nghèo...

Lời nói dẻo mồm của nàng như dao xé thịt. Tôi cố nhịn, cố nín sợ to tiếng chị tôi buồn, nhưng chị đã nghe không thiếu một thứ gì. Sáng hôm sau chị xin phép má, tạm biệt vợ chồng tôi về quê. Tôi tiễn chị ra đến bến xe. Bước lên xe mắt chị đượm buồn.

Lang bạt trên khắp nẻo quê cuối cùng chị tôi cũng lại  về xóm Lẫm. Ngôi nhà cũ ngày trước là hạnh phúc của gia đình tôi giờ chỉ còn lại nền đất trơ trọi, cỏ và rau dền mọc sát bậc thềm.

Vợ chồng chị dựng lên căn nhà nhỏ, chặt  mấy cây tre đực lai thêm bên hông một mái làm chái bếp. Lấy ba hòn đá kê ở góc chái bếp, sớm sớm, chiều chiều nhóm lửa nấu cơm.

Chị trồng lại rau muống dưới con rạch, gánh bán chợ Xổm như mọi năm. Căn nhà  sát mặt đường cái quan cánh cửa sổ tre chống lên treo mấy bị đậu phộng, kẹo, nải chuối... làm cái quán nhỏ.

Mấy đứa  trẻ con xóm Lẫm đi học qua lại hay ghé vào mua. Còn anh rể tôi lâm bệnh sức khỏe yếu ngồi nhà chăm nom cu Tý, bán quán. Má tôi dặn: “Khi má trăm tuổi già nhớ đưa về xóm Lẫm...”.

Lâu rồi không nghe tin gì về chị, tôi nóng ruột quay về quê nhà thăm vợ chồng anh chị. Thật bất ngờ bến sông ngày xưa, giờ xây cầu bắc qua, chân cầu kè đá vững chắc. Chiếc xe khách chạy thẳng đến đầu ngõ, dừng. Thấy tôi chị đứng sững sờ một lúc rồi ôm tôi vào lòng, khóc:

- Má đỡ không em? Chắc má nhắc chị nhiều lắm...!

Chị   gọi: “Ba cu Tý, cậu Bốn về đây nè!”. Anh từ trong nhà chạy ra hổn hển:

- Bệnh má có thuyên giảm chút nào không em?

- Má vẫn chứng bệnh ngày xưa!

Sau một hồi hàn huyên trò chuyện, buổi chiều tôi đi thong dong ra bờ sông, mùa này cây lộc vừng trổ bông soi hồng mặt nước, tôi đi trên cỏ quyện với mùi bùn đất phả vào lòng tôi một cái gì thật là da diết, thật là máu thịt.

Xóm Lẫm bây giờ vui quá, có bưu điện văn hóa, nhà cộng đồng. Đêm đến già trẻ, gái trai tụ tập về đây sinh hoạt văn hóa. Đêm không trăng ở xóm Lẫm dọc theo hàng tre cạnh dòng sông bầy đom đóm lượn lờ trong đêm rực sáng.

Ở chơi được hai hôm tôi trở lại thành phố. Má tôi căn bệnh cũ cứ lặp đi lặp lại. Mỗi khi trở trời mình mẩy đau nhức, đêm xuống rên rỉ. Còn tôi, dạo này mất ngủ, nhiều đêm nằm gác tay lên trán nhớ về quê nhà - xóm Lẫm nơi gắn liền trong tôi quãng đời thơ bé.

Nhớ cơn gió cồn lên rúc rích ngoài mái rạ. Nhớ về ngôi trường tiểu học, ngôi trường đầu đời là niềm vui hiếm hoi của tuổi thơ tôi...Từ ngày nương náu ở thành phố lòng tôi lúc nào cũng trôi ngược về phía quê nhà.

MỚI - NÓNG