Bất ổn từ bữa ăn đến sân tập

Bất ổn từ bữa ăn đến sân tập
TP - Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Cần Thơ đang đối mặt với những khó khăn cơ bản. Thiếu tiền ăn, sân tập…, các vận động viên (VĐV) không có nhiều cơ hội để luyện tập đạt phong độ tốt. Với nhiều yếu kém, khó khăn, Trường không thu hút được nhiều VĐV có năng lực.

Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Cần Thơ:

Bất ổn từ bữa ăn đến sân tập

Nợ tiền ăn

“Các đội đều nợ tiền ăn nên 13 đội có 13 cuốn sổ nợ đây”, chị Nguyễn Thị Mai Linh quản lý căng-tin chỉ tay vào chồng sổ trên bàn. Chị Linh cho biết, mỗi tháng, sổ của đội bơi lội nợ nhiều nhất với khoảng 29 triệu đồng, còn tổng số tiền nợ một tháng của 13 đội là gần 200 triệu đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, cứ hai tháng mới được thanh toán một tháng, tức là nợ gối đầu.

Hiệu trưởng Đặng Tấn Hùng giải thích: “Tiền cấp chậm là do các HLV chấm công quá chậm nên không kịp hoàn tất thủ tục”. Trong lúc, các HLV lại nói: “Chấm công chỉ mất 5 phút thôi”.

Vì trường nợ tiền nên chị Linh cũng phải mua chịu các loại thực phẩm chính như thịt, trứng ở mối quen. Chị không có sự lựa chọn bởi đã phải nài nỉ, mối mới bán chịu cho. Thành ra bữa ăn của các VĐV học sinh quanh đi quẩn lại chỉ là trứng, thịt kho. Nhưng không phải lúc nào và thức ăn nào cũng mua chịu được nên chị Linh phải lấy thêm tiền nhà hoặc vay bạn bè để ứng vào.

Tiêu chuẩn ăn của các VĐV mỗi ngày ba bữa là 46.000 đồng. Một VĐV học sinh THCS nói: “Con ăn 8 bát cơm mới no. Đồ ăn ở đây có khi ăn được có khi không”. Xuống căng-tin, chúng tôi thấy khẩu phần của khoảng 10 VĐV gồm đĩa cá biển rim mặn, tô thịt kho, tô canh “toàn quốc”. Tiêu chuẩn ăn như thế không đủ cho tập luyện. Lãnh đạo nhà trường cũng đã biết và đề nghị tiêu chuẩn ăn mỗi VĐV một ngày tăng lên 80.000 đồng, tuy nhiên UBND TP Cần Thơ đang xem xét, chưa biết khi nào áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp TDTT Cần Thơ nói:“Ai đấu thầu quản lý căng-tin thì cũng phải tính kiếm lời. Nên theo tôi, để bữa ăn của các VĐV đảm bảo chất lượng thì cần bố trí nhân viên hưởng lương để lo chuyện ăn uống, không được tính tiền lời vào tiêu chuẩn của học sinh. Đồng thời, phải giám sát chặt chẽ từ khâu đi chợ đến chế biến để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Tập thể thao bên cống thoát nước

Đội tuyển bi sắt năng khiếu TP Cần Thơ đang phải tập trên mảnh sân lồi lõm bên hông nhà, cạnh cống thoát nước. Ông Nguyễn Văn Yều, phụ trách môn bi sắt Cần Thơ than thở: “Thiếu sân nên chúng tôi phải chọn chỗ này làm nơi tập luyện cho các VĐV dù chẳng đạt tiêu chuẩn nào cả. Môn bi sắt yêu cầu mặt sân cứng đều, bằng phẳng mới đảm bảo bắn bi chính xác. Còn ở đây bắn bi nhảy lông chông”.

Các VĐV mới được triệu tập, đang ở giai đoạn làm quen với tập kỹ thuật nên càng khó khăn. Nữ VĐV Lê Thị Hồng Châu nói: “Tập ở đây phát bực bởi sân chỗ cứng, chỗ mềm khiến tụi con bo bi chẳng theo ý mình được”. Anh Lê Văn Hùng, một người dân hâm mộ bi sắt ở quận Ninh Kiều, cũng ái ngại: “Tập bi sắt trong cái xó xỉnh này làm sao tốt được. Đó là chưa nói đến mất vệ sinh, thiếu an toàn bên cống thoát nước”.

Các VĐV bóng bàn thời gian đầu tập trong dãy nhà cũ chật chội, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Vài tháng qua, có chỗ tập mới nhưng cũng chẳng khá hơn vì hễ mưa là tạt ướt mặt bàn, ánh sáng thì mù mờ. Anh Nguyễn Văn Tường, HLV đội tuyển bóng bàn năng khiếu TP Cần Thơ nói: “Trước đây, chúng tôi thường phải cho các em nghỉ tập vì mặt bàn quá tệ, bóng nảy lung tung, thiếu ánh sáng”.

Đội tuyển bóng đá nữ trung học còn vất vả hơn khi phải tập ở một khoảng đất trống “đá nhiều thành sân” trước cổng trường. Nơi này thực ra là phần đất đầu thừa đuôi thẹo của một công trình nào đó. Mặt sân cát vào mùa mưa lầy lội có chỗ như mặt ruộng, lọt thỏm giữa
rừng cỏ.

Các đội bóng nam trung học được ưu tiên tập ở sân cỏ nhân tạo nhiều hơn, nhưng bắt đầu từ 13 giờ 30 phút. Đó là khoảng thời gian mà các cụm sân cỏ nhân tạo trong khu Liên hợp TDTT Cần Thơ do tư nhân quản lý vắng khách (các đơn vị tư nhân này có thỏa thuận hỗ trợ sân tập cho các đội bóng đá dự Hội khỏe Phù Đổng).

Bi đát nhất có lẽ là đội tuyển bóng đá tiểu học. 2 giờ chiều, nắng như đổ lửa trên mặt sân xi măng dành cho bóng rổ. Thế mà 12 em học sinh tuổi từ 9-10 ra sân tập. Cầu thủ Trần Minh Quân sau một hồi lừa bóng, ngồi dựa cột bóng rổ, thở hồng hộc: “Nóng quá. Con mệt muốn chết!”.

HLV La Minh Phát cho biết: “Các em học sinh tiểu học sẽ thi đấu trong nhà ở Hội khỏe Phù Đổng 2012. Thế nhưng, do nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ chưa nâng cấp xong nên chúng tôi phải cho các em tập tạm ở đây. Chúng tôi chỉ dám cho các em tập lừa bóng, chuyền bóng…, không dám tổ chức thi đấu, bởi sợ té xuống mặt sân xi măng rất nguy hiểm”.

Ông Hứa Tấn Bảo, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Cần Thơ, thừa nhận: “Các đội tuyển đều thiếu sân tập luyện. Một số đội tuyển đang được liên hệ chuyển đến những nhà tập mới xây dựng trong hệ thống trường học, nhưng đến nay chưa lo xong thủ tục”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.