1.000 tỷ đồng 'mua' HCV Olympic London 2012?

1.000 tỷ đồng 'mua' HCV Olympic London 2012?
TP - Sau nhiều tranh cãi, khủng hoảng, một đề án phát triển thể thao VN mang tính đột phá từ nay đến 2020 đang được gấp rút xây dựng. Trong đó, yếu tố gây sửng sốt nhất chính là khoản kinh phí gần 1.000 tỷ đồng xin Chính phủ cho phép rót kinh phí để đầu tư cho những thành tích bền vững cho thể thao nước nhà...
1.000 tỷ đồng 'mua' HCV Olympic London 2012? ảnh 1
Bóng đá nữ phải nằm trong top 5 châu Á

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT - Trưởng Ban chiến lược phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC) giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020 Nguyễn Trọng Hỷ, sau khi có quyết định trên, Ủy ban TDTT đang tăng hết tốc lực để khẩn trương hoàn tất đề án phát triển thể thao.

Dự kiến trong quý 3-2007, đề án này sẽ được trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Ông Hỷ khẳng định, đây là một đề án chiến lược lớn của TTVN, trong đó định hướng rõ lộ trình phát triển, mục tiêu thành tích vững chắc của TTVN trên đấu trường quốc tế.

Bởi vậy đề án này phải thể hiện đầy đủ kế hoạch phát triển tổng thể của thể thao nước nhà như y học thể thao, chống doping, đào tạo lực lượng HLV, VĐV, trọng tài…

Trên thực tế, đề án chiến lược phát triển thể thao dài hơi của thể thao VN đã có “bản nháp” do cựu Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh làm “kiến trúc sư trưởng”.

Song, để sát với thực tế, “bản nháp” đề án này phải được chỉnh sửa cho phù hợp hơn với điều kiện của thể thao VN. Đặc biệt, trong mỗi giai đoạn phát triển, yêu cầu bức thiết là phải dự báo tương đối chính xác thành tích của đoàn TTVN.

Về cơ bản, mục tiêu của đề án là phải đảm bảo cho TTVN luôn duy trì được thứ hạng cao ở các giải đấu lớn trong khu vực, châu lục và thế giới.

Cụ thể, VN luôn đứng trong top 3 tại các kỳ SEA Games, đặc biệt là ở SEA Games 25 tại Lào, đoàn TTVN phải đoạt vị trí nhất khu vực. Trên bình diện châu lục, TTVN vào đứng vị trí 10-12 ở Asian Games; đứng top 10 tại Indoor Games 2009 khi VN đăng cai tổ chức.

Tại Olympic Bắc Kinh 2008, VN có 30 VĐV tham dự bằng “cổng chính”, đoạt 2-3 huy chương; ở Olympic London 2012 tăng thêm 10 VĐV đi theo “cổng chính”, giành 3-5 huy chương, đặc biệt là có HCV ở Thế vận hội này.

Với một đề án phát triển chiều sâu và mang tính đột phá cho thể thao nước nhà như vậy, kinh phí thực hiện cũng thuộc loại… đáng nể. Ước tính trung bình mỗi năm cần 100 tỷ đồng để thực hiện đề án này.

Nghĩa là con số này phải xấp xỉ 1.000 tỷ đồng cho gần 10 năm triển khai, phát triển đề án. Đây mới là kinh phí xin Chính phủ phê duyệt, chưa tính đến các kế hoạch xã hội hóa.

Theo tính toán trong “bản nháp” của đề án, chỉ riêng kinh phí đào tạo VĐV trong chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 3.000-4.000 VĐV) giai đoạn 2007-2015 đã là 300 tỷ đồng.

Giấc mơ của TTVN có thành hiện thực? Đương nhiên, từ ý tưởng để thành hiện thực còn là một chặng đường dài, nhất là ở thời điểm nhạy cảm đối với TTVN hiện nay.

Song, giấc mơ sẽ mãi là… giấc mơ nếu không có những hành động cụ thể, thay cho lời nói. Nên nhớ, trước khi Ủy ban TDTT quyết tâm tìm ra chiến lược đường dài cho TTVN, “bản nháp” của đề án này đã bị… bỏ xó suốt 1 năm trời… 

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.