1001 kiểu 'tình báo' bóng đá

1001 kiểu 'tình báo' bóng đá
TP - “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, trong thể thao câu này cũng hoàn toàn đúng. Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lực lượng của mình thì hầu hết các HLV cũng lên  kế hoạch “do thám” đối phương để tìm hiểu sở trường, sở đoản của họ.
1001 kiểu 'tình báo' bóng đá ảnh 1

Ở các giải đấu quan trọng, thông tin trong các buổi tập luôn được coi là bí mật .                                Ảnh: Phạm Yên

Và những cuộc do thám ấy đã để lại những câu chuyện dở khóc dở cười.

Ngay ở World Cup bóng đá nữ mới được tổ chức ở Trung Quốc đã xảy ra một chuyện khá tai tiếng. Đó là việc phía đội nữ Đan Mạch đã tố cáo lên FIFA về việc họ đã bị “tình báo” phía đội Trung Quốc gây phiền nhiễu.

Lời tố cáo được đưa ra sau trận Đan Mạch thua Trung Quốc, theo phía Đan Mạch thì có vài người đàn ông Trung Quốc khả nghi với các máy camera chuyên dụng lén vào phòng họp đấu pháp của đội nhằm ghi nhận lại mọi thông số kỹ thuật ngay trước trận đấu.

Tất nhiên đơn từ có gửi lên FIFA thì chính tổ chức này cũng khó ra tay vì chuyện “thăm dò” này vốn là rất bình thường trong bóng đá.

Chuyện Đan Mạch tố cáo có tình báo bóng đá lại khiến nhiều người nhớ đến SEA Games 21 tại Malaysia. Khi đó đội quân của HLV Dido cứ đến sân tập ngoài các phóng viên Việt Nam là y như rằng có thấp thoáng một vài nhân vật “bí hiểm” đứng từ xa, hoặc ngồi trên ô tô bấm máy ảnh liên tục, thỉnh thoảng còn rút camera ra quay với thái độ rất lén lút.

Ngay cả những buổi tập đấu pháp, HLV Dido cấm không cho phóng viên Việt Nam theo dõi nhưng chẳng hiểu bằng cách nào tay “gián điệp” kia vẫn tiếp cận được, tới mức ông thầy người Brazil suýt nổi khùng định báo cáo với BTC SEA Games.

Đến SEA Games 22 tại Việt Nam, đến lượt chủ nhà “áp dụng” chiêu này với đối thủ Thái Lan nhưng không phải là “theo dõi từ xa” mà là có... nội gián. Chẳng là BTC SEA Games phải cử một người biết tiếng Thái Lan để hướng đội U23 Thái Lan trong suốt quá trình sinh hoạt tại giải đấu. VFF đã đề cử ông Trịnh Minh Huế.

Ông Huế là cựu cầu thủ, là giám sát của VFF rất giỏi tiếng Thái Lan nên cuối cùng Việt Nam đã có “đặc tình” ngay trong đội Thái Lan. Những thông tin do ông Huế cung cấp thực sự là quý giá nhưng chỉ tiếc rằng điều ấy không đủ để U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan trên sân nhà.

Có lẽ do hiểu rất rõ vai trò của “tình báo” mà ngay ở ASIAN Cup mới đây tổ chức ở Việt Nam, các đội khách bao giờ cũng có vài buổi tập kín, không cho bất kỳ phóng viên bản địa nào vào quay phim chụp ảnh hay bén mảng đến gần sân tập.

Ngay các phóng viên khi tác nghiệp cũng dễ bị nghi ngờ là “tình báo”. Đó là tình huống tại King’s Cup 2006, khi HLV tuyển Singapore Avramovic đang vẽ sơ đồ chiến thuật lên bảng thì bất ngờ một vài phóng viên Việt Nam vô tình đẩy cửa bước vào. Vậy là ông HLV Avramovic lập tức lấy tay xóa ngay tất cả những gì vừa viết lên bảng đồng thời nổi nóng chặn phóng viên lại chỉ để hỏi rằng có phải là “gián điệp” không.

Sau khi nghe trình bày, ông Avramovic dịu giọng: “Tôi hy vọng các anh tôn trọng tôi bằng cách không tiết lộ cho HLV đội tuyển Việt Nam những gì mà các anh vừa nghe, vừa nhìn thấy”. Đúng thật “cáo già” Avramovic quá lo xa.

Trăm nghe không bằng một thấy

Với A.Riedl việc xem các đối thủ của mình thi đấu qua băng hình đôi khi bổ ích hơn và thường trước mỗi trận đấu, A.Riedl đều nhờ người tìm bằng được ít nhất vài băng hình thi đấu gần nhất của đối thủ để... mổ băng. Chỉ tiếc là VFF lại không có “ban tình báo” chuyên nghiên cứu đối thủ nên ông HLV trưởng cứ phải chạy đôn chạy đáo tìm băng rất vất vả.

Song chính ông thầy người Áo này cũng cho rằng việc xem băng không thể nào hay bằng việc đi “do thám” trực tiếp đối thủ. A.Riedl đã có chuyến “do thám” rất thành công là sang tận Malaysia xem đội UAE thi đấu giao hữu. Việc này đã giúp ích rất nhiều cho ông trong việc đề ra phương án đối phó với những đối thủ trên tầm ở vòng loại bảng B trong khuôn khổ ASIAN Cup.

Thế nhưng chẳng phải chuyến đi nào cũng suôn sẻ như thế, mới đây trước khi gặp lại UAE trong khuôn khổ vòng loại World Cup, ông Riedl cũng đáp máy bay sang Thái theo dõi UAE thi đấu với đội tuyển Thái Lan. Sau chuyến đi ấy, ông A.Riedl đã lắc đầu ngán ngẩm là “chẳng thu hoạch được gì”.

Hiện tại, A.Riedl đang rất đau đầu khi chưa lên được kế hoạch thăm dò các đối thủ cùng bảng tại SEA Games 24 và đặc biệt là ông cũng chưa biết nhiều về sức mạnh thực sự của Thái Lan - đối thủ lớn nhất của tuyển U23 Việt Nam.

A.Riedl phân trần: “Chúng ta không biết nhiều về các đối thủ, trong khi đó Olympic Việt Nam với nòng cốt là phần lớn các cầu thủ đá SEA Games đều đã thi đấu rất nhiều thời gian qua và chắc chắn các đối thủ hiểu chúng ta rất rõ”.

Công tác “do thám” đang là một lỗ hổng của đội tuyển U23 Việt Nam. Và cũng không khỏi giật mình khi phía Thái Lan tuyên bố họ sẽ cử “gián điệp” theo dõi các trận đấu của U23 Việt Nam tại Agribank Cup sắp tới bởi Thái Lan cũng xác định Việt Nam là đối thủ khó chơi hơn cả.

Chưa biết ông A.Riedl sẽ chống “gián điệp” thế nào. 

Liên Anh

Báo chí là một kênh thông tin mà các HLV rất quan tâm, căn cứ vào đó để đánh giá tình hình đối phương. Trước khi lên đường sang UAE chuẩn bị cho trận lượt về vòng loại World Cup, ông HLV A.Riedl đã nhờ một người bạn là phóng viên chuyển cho toàn bộ các file lấy từ báo chí nước ngoài về sự chuẩn bị của UAE cho trận đấu này.

Dẫu vậy, A.Riedl cũng không tin lắm về những thông tin của báo chí: “Tôi đã từng làm việc ở Trung Đông một thời gian và tôi biết giá trị của những thông tin kiểu này, đôi khi đó chỉ là đòn gió”.

MỚI - NÓNG