Bất cập trong điều lệ của bóng đá vùng trũng:

2 bàn thắng của VN chỉ bằng 1 bàn của Thái Lan?

2 bàn thắng của VN chỉ bằng 1 bàn của Thái Lan?
Do AFF Suzuki Cup không tính luật bàn thắng trên sân khách nên lợi thế 2 bàn thắng mà ĐTVN ghi được vào lưới Thái Lan tại Bangkok xem ra chẳng còn mấy ý nghĩa, nếu như Thái Lan ghi được 1 bàn ở Mỹ Đình vào ngày 28/12 tới đây.
2 bàn thắng của VN chỉ bằng 1 bàn của Thái Lan? ảnh 1
AFF quả là đã làm không giống ai khi tổ chức trận bán kết và chung kết theo 2 lượt đi về nhưng lại không tính luật bàn thắng trên sân khách

Thể thức đấu loại trực tiếp thông qua 2 trận đấu lượt đi và về không còn lạ lẫm với người hâm mộ và nó vẫn tiếp tục được thực hiện ở những giải đấu danh giá nhất thế giới như Champions League.

Thể thức này giúp cho các đội bóng có cơ hội để chuộc lại lỗi lầm ở trận lượt đi, và nhất là tạo một nguồn thu nhập đáng kể từ bản quyền truyền hình và quảng cáo. Nhưng chỉ có điều, dù vẫn giữ thể thức sân nhà sân khách, nhưng những nhà tổ chức giải đấu đã thay đổi cách tính kết quả từ… thập niên 50 của thế kỷ trước.

Ngoài việc tính tổng tỷ số 2 trận, với mong muốn giải đấu hấp dẫn hơn, có nhiều bàn thắng cùng sự cạnh tranh cao hơn người ta đã tính bàn thắng ghi được trên sân khách.

Sự thay đổi này rõ ràng là đã mang lại hiệu quả tức thời, khiến cho giải đấu luôn hấp dẫn. Thay vì việc chọn đấu pháp phòng ngự mỗi khi đá sân khách, các đội bóng cũng chủ động tấn công để ghi được bàn thắng ở sân đối phương nhằm tạo lợi thế cho trận lượt về.

Và sự hấp dẫn trong việc tính thêm chỉ số bàn thắng sân khách này đã được thể hiện trong những trận đấu kinh điển, chẳng hạn như ở mùa giải 1970 - 1971, lúc đó Panathinaikos thất thủ 1-4 trên sân của Sao Đỏ Belgrade. Tuy nhiên, ở trận lượt về, chiến thắng 3-0 đã giúp đội bóng của xứ sở thần thoại Hy Lạp có mặt ở trận chung kết nhờ cách tính nói trên.

Hay gần nhất là ở mùa bóng 2003 – 2004, “David” Monaco cũng hạ “Goliath” Real Madrid với luật bàn thắng sân khách (lượt đi thua 2-4 tại sân khách nhưng thắng 3-1 sân nhà) để vào bán kết.

Nhắc lại những điều này để thấy rằng, điều lệ mà những nhà làm giải AFF Suzuki Cup 2008 đang sử dụng là quá lỗi thời, khi chỉ tính tổng tỷ số sân nhà - sân khách mà quên luôn phương án chỉ số bàn thắng sân khách.

Bởi thế, thất bại vừa rồi của người Sing cũng là đau đớn, bởi với nền tảng thể lực dồi dào như thế, có lẽ người Sing chẳng cần ào ạt dâng lên tấn công, mà chỉ cần “câu giờ” chờ thể lực của các tuyển thủ VN “đuối” ở hiệp phụ và giành chiến thắng cũng chẳng muộn.

Hoặc lỡ tới đây, Thái Lan ghi 1 bàn trên sân Mỹ Đình là cũng đủ để cho đội bóng này giành quyền chơi hiệp phụ, còn với các học trò HLV Calisto, kết quả này sẽ rất bất công bởi họ đã phải vất vả lắm mới có được 2 bàn ở sân khách. Lúc đó, hóa ra 1 bàn thắng của Thái Lan giá trị bằng 2 bàn thắng của ĐTVN.

Chưa kể thêm, có lẽ ngoài giải VĐ ĐNÁ ra chẳng có giải đấu nào trên thế giới có trận chung kết tiến hành theo 2 lượt đi, về như ở khu vực này. Rõ ràng, nếu đưa trận chung kết Champions League đá 2 lượt cũng đồng nghĩa với thương quyền truyền hình tăng lên gấp đôi, và các nhà tổ chức cũng như các đội bóng sẽ là những người được hưởng lợi về mặt tiền bạc.

Nhưng người ta không làm vậy, bởi lẽ trận chung kết là một cuộc đấu thực sự, và không có cơ hội dành cho những người phạm sai lầm. Chính bởi thế, trận chung kết Champions League luôn thu hút được nhiều khán giả, khi sự kịch tính được đẩy lên cao độ. Và người ta tính rằng có lẽ sau trận chung kết World Cup và EURO, trận đấu cuối cùng của Champions League được đón xem nhiều thứ ba.

Sự lạc hậu trong cách tính toán kết quả cũng như tổ chức đang đi ngược lại tiêu chí “tạo cơ hội cho các ĐTQG trong khu vực có cơ hội cọ xát nhiều hơn” của LĐBĐ ĐNÁ. Bởi thế, mới thấy “điều lệ bóng đá vùng trũng” này quá lạc hậu.

Chung kết AFF Suzuki Cup 2008:

Cách tính điểm xác định đội vô địch và đội thứ nhì

Chung kết AFF Suzuki Cup 2008 diễn ra theo thể thức sân nhà - sân đối phương và không áp dụng luật bàn thắng sân nhà - sân khách. Cách phân định đội giành chiến thắng sau 2 lượt trận tại chung kết được AFF quy định như sau:

1. Tổng số điểm sau 2 lượt trận, đội nào có điểm số cao hơn, đội đó sẽ giành chiến thắng chung cuộc.

2. Nếu sau 2 lượt trận, 2 đội có cùng số điểm, việc xác định đội thắng sẽ dựa trên hiệu của tổng số bàn thắng và tổng số bàn thua. Đội nào có chỉ số cao hơn sẽ vô địch.

3. Trong trường hợp chỉ số bàn thắng - bàn thua vẫn bằng nhau, 2 đội sẽ thi đấu thêm 2 hiệp phụ, mỗi hiệp 15 phút. Nếu kết quả vẫn hoà, 2 đội sẽ thi đá luân lưu 11m để xác định đội thắng.

Có nơi nào trũng như Đông Nam Á?

Câu trả lời là có, nhưng đã thuộc về quá khứ. Trước năm 2005, LĐBĐ Nam Mỹ (COMMEBOL) không áp dụng luật bàn thắng sân khách hay luật đá hiệp phụ trong trường hợp 2 đội bóng hoà nhau sau 90 phút thi đấu chính thức cho tất cả các giải đấu mà họ điều hành, trong đó có cả Copa Libertadores.

Khi đó, 2 đội bóng sẽ phải thi đấu luân lưu 11m ngay sau 90 phút để xác định thắng bại. Từ năm 2005, COMMEBOL mới áp dụng luật bàn thắng sân khách (không đá hiệp phụ) cho Copa Libertadores.

Theo Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.