2 ngã rẽ của thủ môn Tuấn Mạnh

Thủ môn Tuấn Mạnh (giữa) cùng các đồng đội chuẩn bị cho trận đấu với ĐT Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019. Ảnh: Đoàn Nhật.
Thủ môn Tuấn Mạnh (giữa) cùng các đồng đội chuẩn bị cho trận đấu với ĐT Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019. Ảnh: Đoàn Nhật.
TP - Để có một thủ môn đội tuyển quốc gia Tuấn Mạnh như hôm nay, anh phải trải qua những thăng trầm, sóng gió, trong đó có hai lần định mệnh.

Mới đây, tại vòng loại Asian Cup 2019 lượt trận thứ 6, Tuấn Mạnh vào sân thay cho thủ môn Văn Lâm trong trận gặp Jordan. Chàng thủ môn cao 1m85 đã có nhiều pha cứu thua xuất sắc để bảo toàn tỷ số 1-1 cho Việt Nam.

Ở trận đá bù vòng 1 Nuti Cafe V-League 2018, Khánh Hòa đánh bại Thanh Hóa 3-1. Thủ môn Tuấn Mạnh lại góp phần không nhỏ với những pha cản phá xuất sắc, trong đó có pha anh cứu thua tái hiện cách cản phá bằng chân như thủ môn De Gea của M.U.

Ngã rẽ thứ nhất: Trở thành thủ môn

Mạnh kể: “Gia đình tôi ngoài Thanh Hóa nhưng vào Gia Lai từ năm 1999. Ba tôi là VĐV Nguyễn Trọng Chữ vốn là cây chuyền hai có tiếng ở xứ Thanh và được lãnh đạo Sở TDTT Gia Lai (cũ) mời về xây dựng bóng chuyền tỉnh nhà.

Mẹ và mấy anh em tôi vào Gia Lai lập nghiệp sau đó một năm. Ngày mới vào, cuộc sống còn tạm bợ và khó khăn lắm. Mọi người đều nói tôi có tư chất thể thao từ bé, khác với các anh tôi, tôi được bố cho đi theo tập luyện bóng chuyền y như một VĐV chuyên nghiệp.

Mới 15 tuổi, tôi sở hữu chiều cao 1m75 và được dân trong nghề để ý. Lãnh đạo QK5 muốn đưa tôi về Đà Nẵng tập luyện bóng chuyền đàng hoàng. Bố tôi chấp thuận, nhưng hồi đó còn nhỏ nên tôi chưa muốn rời gia đình. Chơi bóng chuyền được gần 3 năm, các thầy bên đội bóng đá U15 Gia Lai để ý nên gọi về tập. Thế là tôi trở thành người đi theo ăn tập cùng đội U15 bên Sở TDTT của tỉnh. Nhưng chỉ là tập ké thôi chứ chế độ ăn uống, lương thưởng đều chưa có. Bây giờ nghĩ lại, tôi thầm cảm ơn 3 năm đi theo dạng biệt phái đầy vất vả đó.

Hồi đó, tôi đá hậu vệ phải và thi đấu khá tốt nhưng trong một giải đấu, U15 Gia Lai thiếu thủ môn nên thầy Hoàng (HLV thủ môn của HAGL bây giờ) bảo tôi về thử bắt gôn xem sao. Nhờ sải tay dài và những ngày tháng ăn tập bóng chuyền trước đó, tôi bắt tốt và được tín nhiệm làm thủ môn luôn từ đó. Giờ phút này, tôi thầm cảm ơn thầy Hoàng và cái lần bắt gôn định mệnh đó”.

Ngã rẽ thứ hai: Về Sanna Khánh Hòa

Cuối năm 2014, bầu Đức quyết định đôn lứa U19 của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lên chơi ở V-League. Khi đó Tuấn Mạnh cùng nhiều cầu thủ khác bị cắt hợp đồng. “Tôi và đồng đội nhận được một cuộc điện thoại thông báo chấm dứt hợp đồng, trong khi mùa giải mới đã cận kề. Tôi gọi điện xin được ở lại, chấp nhận giảm lương vì thời điểm đó vợ tôi đang mang bầu. Nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu của lãnh đạo”, Mạnh kể.

Lúc đó, Tuấn Mạnh lang thang tìm kiếm bến đỗ mới, ý định treo găng đã xuất hiện trong anh. Nhưng rồi may mắn đã đến với anh. HLV Đinh Hồng Vinh (HLV XSKT Cần Thơ bây giờ), người từng dìu dắt Tuấn Mạnh từ tuyến trẻ HAGL, quý mến tài năng của anh nên đã gọi điện cho HLV Võ Đình Tân của Sanna Khánh Hòa để “gửi gắm”.

Mạnh kể: “Khánh Hoà khi đó có đến 4 thủ môn. Đức Anh của Nghệ An, Ngọc Tú của Nam Định và 2 em thủ môn trẻ, tôi về nữa là 5. Thử việc vậy chứ mình cũng không hy vọng gì! Không ngờ sau đó thầy Tân gọi điện, đó chính là cuộc điện thoại cứu rỗi sự nghiệp của tôi”.

Tuấn Mạnh bảo anh biết ơn thầy Võ Đình Tân không biết bao nhiêu cho đủ. Không chỉ là miếng cơm manh áo cho gia đình, sự cưu mang của Khánh Hoà còn giúp anh hồi sinh cả một sự nghiệp. Từ đó, Tuấn Mạnh gắn bó với Khánh Hòa và coi đây như quê hương thứ hai của mình. Anh luôn nỗ lực để không phụ lòng tin của HLV, của đồng đội, đồng thời cũng để chứng tỏ cho những người chưa có niềm tin về mình.

MỚI - NÓNG