4 kỷ lục Para Games bị phá trong ngày đầu khai mạc

4 kỷ lục Para Games bị phá trong ngày đầu khai mạc
Trong ngày khai mạc giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2005, VĐV Nguyễn Thị Hồng, Châu Hoàng Tuyết Loan, Nguyễn Hương Giang và Đinh Thị Ngà phá liền 4 kỷ lục Para Games 2.
4 kỷ lục Para Games bị phá trong ngày đầu khai mạc ảnh 1
Vận động viên cử tạ Đinh Thị Ngà (Khánh Hòa) giành Huy chương vàng và phá kỷ lục quốc gia ở hạng cân 52 kg với thành tích 78 kg (kỷ lục cũ là 75 kg). Ảnh: Thanh Hà

Lễ khai mạc Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2005 tại Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) tối 25/7 với sự tham dự của lãnh đạo UB TDTT TP Hà Nội, Hiệp hội thể thao người khuyết tật VN cùng 544 VĐV thuộc 29 đơn vị trên toàn quốc dự giải.

Ngoài 6 môn thi đấu chính thức gồm bóng bàn (38 bộ HC), cầu lông (24 bộ HC), cử tạ (18), bơi (169) điền kinh (hơn 200) và cờ vua (12) - môn thi lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu, diễn ra tại các NTĐ Cầu Giấy, Trịnh Hoài Đức, Cung thể thao Quần Ngựa và Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình, còn có 4 môn thi đấu biểu diễn để giới thiệu và phát triển phong trào là bóng lăn, bóng rổ, judo và tennis.

Đây chính là những môn thi đấu sẽ xuất hiện tại Para Games 3 nên nếu phát triển tốt, thêm nhiều người khuyết tật VN có cơ hội tranh tài, giao lưu cùng bạn bè khu vực và quốc tế.

Theo BTC cho biết, dù không nằm trong chương trình thi đấu nhưng nếu thi đấu biểu diễn tốt trong đêm khai mạc, đội bóng lăn của người khiếm thị Ninh Bình có thể sẽ được cử đi tranh tài tại Para Games 3 vào cuối năm nay tại Philippines với yêu cầu phải tự túc kinh phí.

Vấn đề kinh phí tổ chức giải gặp khá nhiều khó khăn. Dù đã chạy vạy nhiều “cửa”, BTC mới chỉ kiếm được 3/4 tổng số kinh phí dự kiến, trong đó riêng UBTDTT và đơn vị đăng cai Hà Nội hỗ trợ 350 triệu đồng/đơn vị, Hiệp hội TT người khuyết tật ủng hộ 70 triệu đồng. Ngoài ra BTC cũng kêu gọi một số nhà tài trợ được hơn 200 triệu đồng, nhưng chủ yếu là sản phẩm.

Do eo hẹp về kinh phí, BTC đã không thể hỗ trợ các VĐV khuyết tật, những người vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong việc hòa nhập vào cộng đồng, như mong muốn, dù chỉ là chút tiền ăn, ở ngoài khoản tiền 50.000 đồng cho việc đi lại.

Cũng bởi eo hẹp về kinh phí nên các VĐV phải “tự thân vận động”, một công việc không hề dễ dàng với những người khuyết tật, mà không có người giúp đỡ đi cùng để trợ giúp những khi lên, xuống xe, ra vào những căn nhà trọ nhỏ bé, chật chội.

Rất may, tuy đang là mùa nghỉ hè, nhưng nhờ sự trợ giúp tích cực của Thành Đoàn Hà Nội, hơn 130 bạn sinh viên tình nguyện thuộc 4 trường ĐH đã tới “đầu quân” giúp BTC lo việc giúp đỡ các VĐV tại các địa điểm thi đấu.

Với tinh thần “tàn nhưng không phế”, rất nhiều VĐV đã đến dự giải với tinh thần vô tư nhất bởi họ không muốn đứng ngoài ngày hội này. Với người khuyết tật, thành tích không phải là tất cả mà quan trọng hơn, họ đã chứng tỏ được sự có ích của bản thân, những nỗ lực vượt lên số phận được xã hội công nhận và nể phục.

Như trường hợp anh bưu tá cụt một tay Dương Văn Đề - 49 tuổi ở Yên Bái, VĐV đăng ký tự do bởi Yên Bái không có đoàn thi đấu, từ nửa đêm 24/7 đã nhảy xe ôm vượt 300 km đường về Hà Nội kịp bốc thăm thi đấu vào sáng 25/7.

Hay như 3 nữ VĐV cử tạ Nguyễn Thị Hồng (Quảng Trị), Châu Hoàng Tuyết Loan (Khánh Hòa), Nguyễn Hương Giang (Hà Nội) vừa giành những tấm HCV, HCB, HCĐ tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á trở về lại tiếp tục thể hiện nỗ lực tuyệt vời khi cùng VĐV Đinh Thị Ngà (Khánh Hòa) phá liền 4 kỷ lục Para Games 2 chỉ trong buổi sáng thi đấu đầu tiên tại giải.

Nói như VĐV giành HCV hạng cân 48kg nam Nguyễn Văn Phúc, được tham dự giải là một niềm hạnh phúc lớn với mỗi VĐV, đánh giá được công sức và nỗ lực vượt bậc của họ để khẳng định ý chí bản thân bởi với VĐV khuyết tật, để nâng thêm được dù chỉ 1 kg thôi, họ cũng đã phải vắt kiệt mồ hôi, sức lực trong những buổi tập kéo dài nhiều tháng trời. 

MỚI - NÓNG