Ai là quyền lực số 1 ở VFF? ​

Bầu Đức (phải) luôn có tiếng nói rất mạnh mẽ ở VFF.
Bầu Đức (phải) luôn có tiếng nói rất mạnh mẽ ở VFF.
TPO - Nhìn vào diễn tiến thời gian gần đây hoặc cả nhiệm kỳ vừa qua, đáp án cho câu hỏi trên ở nhiều khía cạnh chỉ có thể là ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Phó chủ tịch phụ trách tài chính, vận động tài trợ VFF.

Để đánh giá về 4 năm trong nhiệm kỳ của bầu Đức, cách dễ nhất là lấy người tiền nhiệm của ông chủ HAGL, cũng là đương kim Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hiện nay. Ông Dũng ở thời điểm tranh cử cách đây 4 năm đã nhận được sự ủng hộ của đa số truyền thông và phần còn lại trong giới.

Lý do chính có thể nói, là thành tích của ông Dũng ở vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF. Việc lãnh đạo cả 2 đơn vị kinh doanh lớn, ngân hàng Eximbank và Công ty vàng bạc đá quý SJC đã giúp ông Lê Hùng Dũng lo toan tài chính cho VFF một cách chu toàn. Điều này khiến cho tiếng nói của ông Dũng có sức nặng nhất định trong số các thường trực VFF.

Bầu Đức là một hình ảnh trái ngược. Nếu tách bạch giữa HAGL và VFF thì đóng góp của ông Đức cho VFF trong nhiệm kỳ 4 năm là hết sức mờ nhạt. Năm 2017, khi VFF thu khoảng 150 tỷ đồng, số tiền tài trợ bầu Đức kêu gọi chỉ là bản hợp đồng với một công ty sữa, có trị giá nhất định. Cũng trùng hợp khi đây cũng là nhà tài trợ dinh dưỡng cho HAGL. Kết quả là VFF bị “âm” gần 7 tỷ đồng.

Trước đó, đóng góp của bầu Đức cho VFF cũng hết sức hạn chế. Ông Đức chỉ chi tiền trong một số trường hợp cụ thể, và đều ít nhiều có liên quan đến HAGL. Ví như việc bầu Đức lo cho lứa U19 Việt Nam năm 2013 mà thực chất là quân của lứa 1 Học viện HAGL-JMG mở rộng đi tập huấn châu Âu, hay thưởng cho U22 Việt Nam 1 tỷ đồng trước SEA Games 29. So với đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng, sự tương phản là rất rõ ràng.

Bất chấp thực tế trên, bầu Đức vẫn giữ uy quyền rất lớn ở VFF. Có 2 ví dụ để thấy rõ điều này. Một là việc bầu Đức một tay quyết định chiếc ghế HLV trưởng các ĐTQG suốt 4 năm qua: Sa thải ông Toshiya Miura năm 2016, đưa HLV HLV Hữu Thắng lên thay. Và khi Hữu Thắng thất bại, ông Đức nhanh chóng thế bằng HLV Park Hang Seo, người có chung người đại diện tại Hàn Quốc với tiền vệ Lương Xuân Trường. Những công việc này gần như không liên quan gì đến chuyên môn và trách nhiệm của bầu Đức ở VFF.

Ai là quyền lực số 1 ở VFF? ​ ảnh 2 HLV Miura bị VFF thanh lý sớm mà lý do được nhắc tới nhiều nhất là không chịu sử dụng quân HAGl của bầu Đức, Phó chủ tịch VFF.

Việc thứ 2 là sử dụng HAGL để gây áp lực, khiến cả VFF xoay chóng mặt trước thềm đại hội 8. Ông Đức phản ứng quyết liệt tiêu chí “có bằng cử nhân” đối với ứng viên lãnh đạo chủ chốt VFF, và rốt cuộc, BCH VFF phải thay đổi. Dĩ nhiên trong câu chuyện này, phần nào đó phải thừa nhận, bầu Đức có lý khi “phủ quyết” tiêu chí “có bằng cử nhân”, bất chấp một thực tế là cả 7 đời chủ tịch VFF đến nay đều là cựu quan chức hoặc doanh nhân. Và nếu không có gì thay đổi thì Chủ tịch VFF đời thứ 8 ắt cũng là người có bằng cấp đàng hoàng.

Ông Đức chỉ 1 lần thất bại khi đòi sa thải Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi để thay thế bằng người khác. Đề nghị này của bầu Đức bị đa số BCH VFF phủ quyết. Dù sao, việc bầu Đức có thể buộc cả phần còn lại của làng bóng đá phải tổ chức 1 cuộc họp để loại ông Mùi phần nào đó cho thấy uy quyền của ông Đức. Rõ ràng, lá phiếu của HAGL cũng chỉ có giá trị ngang lá phiếu của bất kỳ thành viên nào khác trong VFF, và cuộc chơi ở V-League là chung với tất cả.

Với những công việc khác ở VFF, bầu Đức gần như không phải lo toan. Nó giống như việc nhiều giai đoạn, hoạt động tối thiểu ở VFF là tham gia các cuộc họp, ông Đức cũng không tham dự vì “bận công việc kinh doanh”. Xét ở những góc độ này, có thể tin bầu Đức luôn cực mạnh ở VFF.

V-League cần nhiều những đội bóng thu hút được CĐV như HAGL. Bầu Đức cũng là cá tính hấp dẫn đối với cả giới truyền thông lẫn người hâm mộ. Nhưng có vẻ như ông Đức chỉ phát huy được tốt nhất những ưu điểm của mình trên cương vị Chủ tịch HAGL, thay vì có lúc nắm thêm cả ghế ở VPF và VFF.

MỚI - NÓNG