Almeida và bóng đá Đà Nẵng: Riêng một trang sử

Almeida và bóng đá Đà Nẵng: Riêng một trang sử
Chuyện Almeida đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm 2008 cũng hiển nhiên như việc nếu anh không ghi bàn thì SHB.ĐN khó lòng giành chiến thắng.
Almeida và bóng đá Đà Nẵng: Riêng một trang sử ảnh 1
Almeida là một báu vật của Đà Nẵng

1. Nếu sau này, những ai muốn viết một cuốn biên niên sử về bóng đá Quảng- Đà xưa và nay, cũng nên dành riêng một trang sử cho Almeida. Anh xứng đáng được tôn vinh như vậy. Từ thời hoàng kim với cái tên Công Nhân- Quảng Nam Đà Nẵng, đội bóng này sản sinh ra nhiều chân sút trứ danh.

Trần Minh Toàn, Lê Văn Sinh, Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Hà Xá. Thế hệ trước đó có Trần Vũ, Trung “lùn”, Thành “ghe”. Sự so sánh có phần khập khiễng bởi “Đa” là cầu thủ ngoại, nhưng cũng nên đặt bên cạnh các chân sút số má trên để thấy cái chất của tiền đạo này.

Tất nhiên, về hiệu số ghi bàn không ai địch lại Almeida được. Trần Minh Toàn ( nay là Phó TGĐ Công ty Thể thao SHB.ĐN) đã từng một lần đăng quang ngôi vua phá lưới cùng chức vô địch năm 1992, cũng chỉ dừng lại ở con số 6.

Hôm rồi, ngồi trò chuyện với danh thủ Phan Thanh Hùng, loanh quanh thế nào lại bàn đến chuyện “Đa”. Hùng cũng là cây ghi bàn bằng đầu khét tiếng. Thế nhưng, sân cỏ nội địa 10 năm trở lại đây anh chỉ bái phục hai người, đấy Almeida và Nguyễn Văn Dũng. “Hai cha này kỹ năng đánh đầu đúng là thiên bẩm”.

Trong lịch sử bóng đá sông Hàn, người được HLV lấy để xây dựng lối chơi, chỉ có Almeida. Thời thế hệ vàng, chẳng có ai là số 1 cả, dù rất nhiều vị trí đều có thể gây đột biến. Vậy mà đây là mùa bóng thứ 4, lần lượt các HLV Trần Vũ, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức đều lấy “ Đa” làm trung tâm.

Muốn làm khác đều thất bại. “Almeida và những người bạn” đã như một chiến thuật được mặc định. Cụ thể hơn, đến 80% những trường hợp Almeida ghi bàn đều xuất phát từ cánh phải. Bóng thường từ Quang Cường- nhồi lên cho Phúc “gà” ( hoặc “gà” chồng biên cho Cường băng lên), kết thúc bằng một cú tạt mà Almeida luôn biết chọn vị trí thích hợp nhất.

Sự mặc định đó có cái dở: nếu một trong 3 nhân vật đó ( nay thêm Quốc Anh ở cánh trái) không thể ra sân là “ Đa” lẻ loi hẳn, và SHB.ĐN cũng mệt! Ở đội bóng sông Hàn, nhiều cầu thủ nói đùa “Đa” chính là cái cần câu cơm của đồng đội. Nói là thế nhưng họ vẫn khẳng định “Đa” sẽ “chột” nếu chơi ở đội khác.

2. Câu chuyện Almeida se duyên với bóng đá Đà Nẵng cũng ly kỳ. Sau mùa giải năm 2005, Rogerio giới thiệu. HLV Lê Thuỵ Hải buộc “Đa” phải ra mắt vài động tác. Kết quả, chân sút này trở thành chú hề khi đôi chân lóng ngóng không có kỹ thuật cơ bản, thể lực thì yếu. Tóm lại ấn tượng ở “Đa” chỉ là đánh đầu có nét, và cần cù.

Đến lúc này Rogerio mới thú tội bên Brazil, Almeida chỉ đá phủi. Ông Hải chán, quyết không kí hợp đồng. Xảy ra chuyện Lê Thuỵ Hải chia tay đội, mùa giải đã cận kề nên HLV Trần Vũ phải ký đại Almeida.

Không ai ngờ cái quyết định của Vũ “đen” lại mang đến cho bóng đá sông Hàn sau đó một tay ghi bàn thượng thừa như thế. Almeida tiến bộ nhanh từng tháng. Đôi chân bị coi là “gỗ” thỉnh thoảng có những pha ghi bàn đẹp đến kinh ngạc.

Đấy là cái duyên của “Đa” lẫn bóng đá Đà Nẵng. Nhưng, cũng thật kỳ lạ: Một cầu thủ đến hai mấy tuổi vẫn không nghĩ mình là cầu thủ bỗng trở thành Vua phá lưới, trở thành xuất sắc ở Việt Nam…

"Nếu không sang chơi bóng ở Việt Nam, không đá ở đội Đà Nẵng thì tôi sẽ không có ngày hôm nay. Ở Việt Nam tôi luôn có cảm giác yên tâm. Tôi thích sự thân thiện của người dân các bạn. Cuộc sống thanh bình, giá cả cũng dễ chịu.

Vợ và con gái tôi cũng rất lưu luyến cuộc sống ở Việt Nam. Bây giờ họ đang ở Brazil, nhưng chắc chắn sẽ quay lại. Tôi thấy bóng đá Việt Nam ngày càng thay đổi.

SHB Đà Nẵng là một đội bóng giàu tiềm năng. Ở đó, tôi có những đồng đội tốt, hiểu nhau như anh em. Tôi thích được cùng chơi bóng với họ vì tôi có điều kiện phát huy khả năng chơi bóng của mình. Nếu cuộc sống và môi trường chơi bóng được đáp ứng đầy đủ, tôi vẫn muốn gắn bó với Đà Nẵng", Almeida tâm sự.

Theo NGỌC HÒA
Thể Thao Văn Hóa

MỚI - NÓNG