Ấn tượng US open 2009: Nơi niềm tin bắt đầu

Ấn tượng US open 2009: Nơi niềm tin bắt đầu
TP - Mọi hành trình mới bắt đầu từ đôi chân. Và ở sân chơi US Open năm nay, không có hình ảnh nào giàu tính tượng trưng cho bước khởi đầu của những giấc mơ như đôi giày dưới chân ngôi sao mai Melanie Oudin, nơi in hàng chữ Niềm tin.
Ấn tượng US open 2009: Nơi niềm tin bắt đầu ảnh 1
Melanie Oudin - phía trước là bầu trời - Ảnh AP

Ý tưởng in chữ Believe lên đôi giày Adidas sặc sỡ ấy do bạn trai Austin Smith của Oudin (nghe đồn mới 15 tuổi) đề xuất. Song hẳn niềm tin chiến thắng thì phải do chính những tay vợt khát khao chinh phục và giàu tài năng tự quyết định

Có thể bạn không cao

… nhưng vẫn khiến người khác phải ngước nhìn. Phương châm tưởng như chỉ xuất hiện trong phim quảng cáo ấy vừa được Melanie Oudin cụ thể hóa một cách sinh động và thuyết phục nhất.

Cô gái có chiều cao 1m68 hiên ngang đánh bại các đối thủ lớn hơn mình cả về thứ hạng, kinh nghiệm (và tất nhiên, cả vóc dáng nữa): Elena Dementieva, Maria Sharapova và Nadia Petrova. Cả ba lần thực hiện những cuộc lật đổ để đời trước những đàn chị xứ bạch dương, cô nàng ngổ ngáo của nước chủ nhà đều lội ngược dòng quả cảm sau khi bị dẫn trước set đầu.

Không hiểu những bại tướng tên tuổi đến từ nước Nga sẽ cay đắng đến đâu nếu biết, trước giải, Oudin chỉ dám đặt mục tiêu được gặp trực tiếp Roger Federer và… bắt tay Masha. Còn khán giả Mỹ thì nhanh chóng quên đi chấn thương của Venus William cũng như chẳng tốn quá nhiều thời gian để bàn tán về phút cả giận mất khôn của Serena William. Họ còn mải tìm hiểu về nhân vật mà có rất ít người gọi đúng phiên âm tên cô (oo-DAN).

Và từ sân chơi Flushing Meadows vừa rồi, Oudin càng có động lực để tiếp bước thần tượng Justin Henin – người đã cho cô đức tin: “Không nhất thiết phải cao lớn, bạn vẫn có thể trở thành người chiến thắng”.

Người Mỹ vốn ưa những bộ phim hành động hơn là các câu chuyện cổ tích. Chặn đứng bước tiến kỳ diệu của hiện tượng “tuổi bẻ gẫy sừng trâu” chỉ có thể là đồng hương của nhà văn Andersen.

Dù đang định cư ở Monte Carlo, Caroline Wozniacki vẫn không quên mình sinh ra và lớn lên ở xứ sở truyện cổ tích. Cô gái 19 tuổi xinh đẹp bản lĩnh khuất phục Oudin trước khi loại tiếp gương mặt triển vọng đồng trang lứa Yanina Wickmayer để giành quyền vào tranh ngôi hậu US Open.

Trước đây, Caro nổi tiếng nhờ tin đồn yêu hụt Rafael Nadal. Giờ ở vị thế tay vợt Đan Mạch đầu tiên trong lịch sử lọt đến chung kết một giải Grand Slam, Wozniacki lại trở thành cái cớ để các tờ báo tìm cách tăng doanh số nhờ việc tung ra tin đồn cô và Juan Martin del Potro có vấn đề với nhau.

Khi bạn thực sự cao

Ấn tượng US open 2009: Nơi niềm tin bắt đầu ảnh 2
Juan Martin Del Potro “trên đỉnh thế giới” - Ảnh AP

Del Potro thì càng có lý do để không phải sống nhờ những tin đồn bên lề như thế. Người hùng xứ Tango đã khẳng định vững chắc chỗ đứng của mình trong làng banh nỉ thế giới, không chỉ bởi chiều cao 1m98 ấn tượng. Lần lượt đánh bại cả Rafael Nadal và Roger Federer trên hành trình đăng quang, Delpo mang đến hi vọng mới cho không chỉ riêng anh.

Kể từ khi Tàu tốc hành giành được danh hiệu Grand Slam đầu tiên (Wimbledon 2003) đến nay, mới chỉ có 3 kẻ ngoài cuộc chen ngang vào sự thống trị tuyệt đối của bộ đôi Federer -  Nadal trên các sân chơi lớn là Andy Roddick (US Open 2003), Marat Safin (Australian Open 2005) và Novak Djokovic (Australian Open 2008).

Sự tỏa sáng được dự báo (ít nhiều khác nhau tùy theo quan điểm riêng của mỗi người) của Del Potro chắc chắn sẽ là cú hích tinh thần quan trọng để những anh chàng tuổi trẻ tài cao khác thêm tự tin vào khả năng lật đổ hai tay vợt số 1 và số 2 thế giới hiện nay.

Những màn trình diễn ấn tượng của lứa sao mai Del Potro, Marin Cilic (cũng sở hữu chiều cao 1m98 như Delpo), Wozniacki, Oudin, Wickmayer và Kataryna Bondarenko khiến chẳng ai còn thấy lưu luyến các vì sao hôm Marat Safin, Fabrice Santoro (đều giải nghệ vào cuối năm nay), Amelie Mauresmo…

Trở lại đỉnh cao

Sự ra đi của những ngôi sao hết đát như Safin, Santoro hay Mauresmo không gây ra nuối tiếc. Nhưng sẽ là mất mát lớn cho quần vợt thế giới và thiệt thòi lớn cho người hâm mộ nếu như Kim Clijsters không tái xuất.

Kim Kong thực sự mang đến những sân đấu Flushing Meadows luồng gió dễ chịu với bảy chiến thắng đẹp. Ngôi hậu của Clijsters cho các tài năng cầm vợt tin rằng có thể bạn không được xếp hạng hạt giống, có thể bạn chỉ được dự giải nhờ suất ưu tiên, có thể bạn đã nghỉ sinh con, bạn vẫn có thể lên đỉnh thế giới – miễn là trong bạn vẫn còn bản năng chiến đấu và khát khao chiến thắng.

Đến đây, người hâm mộ lại có cở sở đến tin vào sự trở lại của một vì tinh tú khác, Justine Henin.

Theo thứ tự thời gian, US Open là giải hạ màn, khép lại hệ thống thi đấu Grand Slam trong năm. Vậy mà rõ ràng, US Open 2009 lại trở thành cánh cửa mở ra rất nhiều khởi đầu mới đáng chờ đợi. Kèm theo đó là những cảm xúc mới, quen mà lạ, như khi khán giả được nghe giai điệu ca khúc hit một thời của ca sỹ Cher, Believe sau khi Melanie Oudin đánh bại Nadia Petrova trên sân đấu Arthur Ashe.

MỚI - NÓNG