Ánh Viên bơi liên tục trong 2 tháng

Ánh Viên liên tục thi đấu các giải quốc tế và trong nước chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng qua. Ảnh: VSI.
Ánh Viên liên tục thi đấu các giải quốc tế và trong nước chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng qua. Ảnh: VSI.
TP - Suốt từ SEA Games 29 khởi tranh tại Malaysia hồi cuối tháng 8 tới nay, Nguyễn Thị Ánh Viên liên tục phải xuống nước để phục vụ mục tiêu thành tích cho ngành thể thao và bộ môn bơi lội. Ai đang lạm dụng Ánh Viên hay đây là cách kình ngư Quân đội được chuẩn bị cho các đấu trường lớn hơn như Asiad hay Olympic?
Ánh Viên bơi liên tục trong 2 tháng ảnh 1

Ánh Viên liên tục thi đấu các giải quốc tế và trong nước chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng qua. Ảnh: VSI.

Những tranh cãi về chuyện Ánh Viên bị lạm dụng cho các mục tiêu thành tích của những người liên quan thực ra đã xuất hiện từ năm 2016, trước thềm giải Bơi lội VĐQG. Cụ thể ở giải đấu trên, HLV Đặng Anh Tuấn một mực giữ quan điểm Ánh Viên phải thi đấu đủ 17 nội dung của giải với lý do muốn học trò cọt xát.

Quan điểm này của ông Đặng Anh Tuấn vấp phải phản đối của nhiều người, bởi thực tế với trình độ hiện tại, Ánh Viên gần như không có đối thủ ở trong nước. Một ví dụ rõ nhất là ở giải VĐQG năm 2015 tại Đà Nẵng, Ánh Viên đã đoạt 16 HCV. Đơn vị chủ quản của Ánh Viên là Quân đội vì vậy không đồng ý để Ánh Viên dự giải VĐQG 2016. Phía Đoàn Quân đội cho rằng việc Ánh Viên dự thi có thể ảnh hưởng tới nỗ lực của các VĐV còn lại và phong trào chung. “Tổng cục TDTT không ủng hộ VĐV có trình độ như Ánh Viên về thi giải VĐQG. Nếu muốn kiểm tra trình độ thì chỉ nên thử sức ở một số nội dung và có thể không tính thành tích huy chương”, đây là quan điểm của lãnh đạo Tổng cục TDTT thời điểm trên. Rốt cuộc, Ánh Viên phải ở ngoài không được dự thi.

Không hiểu có phải sau 1 năm, quan điểm của Tổng cục TDTT…thay đổi hay vì lý do khác, tại giải VĐQG 2017 vừa diễn ra ở TPHCM, Ánh Viên được đăng ký thi 17 nội dung. Kết quả không ngoài dự đoán, cô đoạt…16 HCV, trong đó gồm 15 HCV cá nhân và 1 HCV tiếp sức. Kết thúc giải, Đoàn Quân đội dẫn đầu toàn đoàn với 16 HCV, 10 HCB và 9 HCĐ.

Cần nói thêm, trước đó Ánh Viên vừa dự tranh SEA Games 29, diễn ra tại Malaysia hồi tháng 8 vừa qua, với thành tích 8 HCV, 2 HCB. Không lâu sau giải đấu này, kình ngư Cần Thơ tiếp tục được Tổng cục TDTT, Bộ môn bơi lội và HLV Đặng Anh Tuấn đưa sang Turkmenistan tham dự Đại hội thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á (AIMG) 2017. Thành tích của cô là giành 2 HCV các cự li 200m hỗn hợp và 100m hỗn hợp. Trước ngày Ánh Viên lên đường dự giải, TTK Hiệp hội thể thao dưới nước (TTDN) Đinh Việt Hùng thừa nhận, đây là giải đấu Ánh Viên khó cải thiện được thông số chuyên môn, do vừa phải trải qua cuộc tranh tài căng thẳng ở SEA Games 29.

Dù đoạt tới 16 HCV ở giải VĐQG 2017, nhưng thông số chuyên môn của Ánh Viên ở các cự li không có sự tiến bộ nào đáng kể, nếu không muốn nói đứng im hoặc tụt xuống. Đơn cử như cự li 200m bướm, Ánh Viên chỉ về thứ nhì với thời gian 2 phút 14 giây 49, thua “đàn em” Lê Thị Mỹ Thảo của Bình Phước (2 phút 14 giây 21). Hôm qua có tin, Ánh Viên đã xin HLV Đặng Anh Tuấn không phải dự thi cự li này, nhưng không được ông Tuấn đồng ý. Trước đó, Ánh Viên đã phải thi liên tiếp 13 nội dung cá nhân và 2 nội dung tiếp sức chỉ trong 4 ngày!

Ngay tại SEA Games 29, câu hỏi về việc Ánh Viên phải dàn sức cho quá nhiều cự li, thay vì tập trung cho những cự li sở trường để hướng tới Olympic và Asiad đã được đặt ra. Ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 29 và là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khi đó khẳng định, Tổng cục TDTT không có chủ trương để Ánh Viên thi quá nhiều nội dung để chạy đua HCV. Tuy nhiên, thực tế có vẻ như không giống như những gì lãnh đạo ngành thể thao phát biểu.              

Người trong cuộc biết rằng mỗi chiếc HCV quốc tế và trong nước đều gắn liền với thành tích và chế độ cho những người liên quan. Điều này liệu có tác động tới việc Ánh Viên đang bị biến thành chiếc máy “gặt” huy chương như hiện nay, thay vì được đầu tư cho các mục tiêu dài hơi? Hai năm, 16 HCV SEA Games và hơn 30 chiếc HCV quốc gia, rồi sau đó sẽ là gì với Nguyễn Thị Ánh Viên, khi Asiad và Olympic được xác định là đấu trường cô và ngành thể thao Việt Nam hướng tới?

MỚI - NÓNG