A.Riedl và những chuyện lạ cùng đội Palestine

A.Riedl và những chuyện lạ cùng đội Palestine
Có nhiều câu chuyện nhà cầm quân người Áo trải qua trong suốt gần 1 năm dẫn dắt đội tuyển Palestine. Đội tuyến Quốc gia được thành lập là do ý muốn của một số doanh nhân.
A.Riedl và những chuyện lạ cùng đội Palestine ảnh 1
HLV Riedl khi còn dẫn dắt đội tuyển Palestin

Trong khoảng 8 tháng dẫn dắt tuyển Palestine, HLV Riedl chỉ gặp Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá nước này đúng 2 lần. Trong cả 2 lần đó, họ không nói chuyện về bóng đá mà chỉ là những lời xã giao thông thường, được Riedl mô tả là: “Những câu chuyện phiếm của người bạn mới quen”.

Vai trò của Liên đoàn với đội tuyển cũng rất mờ nhạt. Cơ quan quản lý bóng đá cao nhất của đất nước này chỉ cử một đại diện duy nhất đi theo đội.

Một điều kỳ lạ nữa là đội tuyển Palestine được thành lập không phải do quyết định của Liên đoàn bóng đá quốc gia, mà nhờ “một phút ngẫu hứng của nhà tài trợ”.

Một nhóm doanh nhân Palestine muốn được xem đội tuyển nước mình tranh tài tại World Cup 2006, nên họ tung tiền ra với hy vọng thực hiện điều đó. Trong khi đó, Liên đoàn Bóng đá lại chẳng thèm quan tâm đến những điều kiện sinh hoạt và tập luyện của các tuyển thủ.

Thông thường, HLV trưởng của đội tuyển quốc gia chọn lựa cầu thủ, sau khi đã "xem giò, xem cẳng" kỹ càng. Nhưng Palestine không có một CLB bóng đá nào và cũng chẳng có giải vô địch quốc gia. Do đó, trong lần triệu tập đầu tiên, HLV Riedl phải gọi tới 70 cầu thủ nghiệp dư, sinh sống ở Chile, Argentina, Brazil, Mỹ…

Ông hoàn toàn không biết các cầu thủ của mình trước đó đá như thế nào, càng không biết thể hình, thể lực của họ ra sao. Rốt cuộc, 50% số cầu thủ của đội tuyển Palestine đến từ Chile, số còn lại, mỗi nơi một vài người. Các tuyển thủ Palestine chỉ được tập trung trước các trận đấu 1 tháng, và ngay sau khi thi đấu xong họ lại trở về nhà. Thời gian không đá bóng, họ được tự do làm những gì mình muốn. 

"Những lúc ngồi một mình, tôi nhớ đến Việt Nam và tình cảm nồng nhiệt mà người hâm mộ dành cho bóng đá, cũng như cho cá nhân tôi. Đó là lý do thôi thúc tôi trở lại đất nước của các bạn"

HLV A.Riedl

Là tuyển quốc gia, nhưng các thành viên trong đội Palestine không được tập luyện và thi đấu trên đất nước mình, do sự bất ổn về chính trị. Để giải quyết vấn đề nan giải đó, các tuyển thủ Palestine chọn Ai Cập làm nơi đóng quân, và bay sang Doha (Qatar) mỗi khi "được chơi trên sân nhà".

Điều kiện tập luyện cũng rất thiếu thốn với chỉ một khu đất, mà mặt sân không đạt tiêu chuẩn, thậm chí còn chẳng có đường pitch để khởi động. Những trận đấu chính thức, họ được chơi bóng trên một sân vận động mới xây và rất rộng rãi ở Qatar. Tuy nhiên, chẳng có lấy một khán giả tới xem. Chỉ có khoảng hơn 30 người chứng kiến hai đội tranh tài gồm ban huấn luyện và các cầu thủ dự bị hai đội.

HLV trưởng và đội tuyển quốc gia thường phải chịu sức ép rất lớn từ người hâm mộ. Nhưng ông Riedl và đội tuyển Palestine thì không, bởi họ không thi đấu trên sân nhà và người dân nước này còn nhiều điều khác để quan tâm.

Chỉ khi tập trung đội tuyển, ban huấn luyện và các cầu thủ mới phải luyện tập và thi đấu. "Thời gian còn lại, tôi chỉ biết phóng xe đi thăm thú bạn bè và ngắm cảnh ở Ai Cập. Đó là một cuộc sống buồn tẻ, vô nghĩa" - Ông Riedl nói thêm.

HLV Riedl tâm sự: “Tôi quá thất vọng, bởi không có cơ hội phát triển nghề nghiệp và chán ngấy cuộc sống buồn tẻ. Tôi quyết định không dẫn dắt Palestine nữa".

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.