Ba quan chức FIFA bị cáo buộc tham nhũng

Ba quan chức FIFA bị cáo buộc tham nhũng
Ba ngày trước khi FIFA bỏ phiếu chọn nước đăng cai World Cup 2018 và 2022, kênh tài liệu Panorama của Hãng tin BBC (Anh) gây một cú sốc lớn khi cáo buộc ba thành viên Ủy ban điều hành FIFA đã nhận hối hộ 100 triệu USD trong thập niên 1990.

Ba ngày trước khi bỏ phiếu chọn quốc gia tổ chức World Cup 2018 và 2022:

Ba quan chức FIFA bị cáo buộc tham nhũng

Ba ngày trước khi FIFA bỏ phiếu chọn nước đăng cai World Cup 2018 và 2022, kênh tài liệu Panorama của Hãng tin BBC (Anh) gây một cú sốc lớn khi cáo buộc ba thành viên Ủy ban điều hành FIFA đã nhận hối hộ 100 triệu USD trong thập niên 1990.

Ông Nicolas Leoz - một trong ba thành viên FIFA bị cáo buộc tham nhũng. Ảnh: Reuters
Ông Nicolas Leoz - một trong ba thành viên FIFA bị cáo buộc tham nhũng. Ảnh: Reuters.

Panorama chỉ đích danh ba quan chức FIFA tham nhũng là Nicolas Leoz - người Paraguay, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL), Issa Hayatou - người Cameroon, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF) và Ricardo Teixeira - chủ tịch LĐBĐ Brazil (CBF).

Điều tra của Panorama cho thấy từ năm 1989-1999, Công ty Tiếp thị thể thao và giải trí quốc tế (ISL) có trụ sở ở Thụy Sĩ đã đưa 175 khoản tiền hối lộ, với tổng trị giá lên đến 100 triệu USD. Trong số những kẻ nhận tiền là ba quan chức FIFA.

Khi đó, FIFA trao cho ISL quyền tiếp thị độc quyền các giải World Cup và ISL cũng nhận hàng chục triệu USD từ việc thương lượng bản quyền truyền hình các giải đấu. Công ty này sụp đổ năm 2001. Khi đó, chính quyền Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra và truy tố sáu quan chức ISL vào năm 2008 vì tội sử dụng sai mục đích ngân sách công ty.

Tuy nhiên họ không bị truy tố về tội hối lộ vì nó chỉ được quy định là tội hình sự ở Thụy Sĩ vào năm 2001 (sau khi các vi phạm xảy ra). Ông Nicolas Leoz bị nêu tên trong cáo trạng của tòa án Thụy Sĩ vì có liên quan đến các khoản hối lộ trị giá 130.000 USD. Tuy nhiên, Panorama tìm được các tài liệu của ISL cho thấy ông Leoz còn được ISL trả thêm 600.000 USD.

Danh sách của ISL còn cho thấy hãng này đã 21 lần chuyển tiền cho một công ty bình phong tên Sanud ở Liechtenstein, tổng trị giá lên đến 9,5 triệu USD.

Theo điều tra của Thượng viện Brazil năm 2001, ông Ricardo Teixeira có quan hệ chặt chẽ với Công ty Sanud. Ngân sách của Sanud đã được chuyển một cách bí mật cho ông Teixeira qua một trong những công ty của ông.

Tài liệu của ISL còn cho thấy công ty này đã hối lộ cho ông Issa Hayatou 100.000 franc Pháp (tương đương 20.000 USD). Panorama đã không thể lần ra dấu vết những kẻ khác đã nhận tiền từ ISL qua các tài khoản ở Liechtenstein.

BBC dẫn lời ông Roland Buechel, một cựu quan chức ISL, cho biết các nhân viên ISL từ lâu đã nghi ngờ công ty này trả tiền hối lộ các quan chức FIFA để nhận các hợp đồng béo bở từ FIFA.

“Các hợp đồng đó tương đương những khoản tiền khồng lồ, lên đến hàng tỉ USD - ông Buechel cho biết - Do đó, mọi công ty tiếp thị thể thao đấu đá với nhau và tìm đủ mọi cách để giành được chúng”.

Ngoài ra, Panorama còn cáo buộc một thành viên khác trong Ủy ban điều hành FIFA là ông Jack Warner, người Trinidad & Tobago, phó chủ tịch FIFA kiêm chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và vùng Caribê (CONCACAF). Panorama cho biết đã có trong tay các thư điện tử và hóa đơn cho thấy ông Warner đã mua một lượng vé World Cup 2010 với giá 84.000 USD.

Các thư điện tử cho thấy số vé này theo kế hoạch được đưa ra thị trường chợ đen, tuy nhiên thỏa thuận giữa các bên đã không thành công.

Sau khi tài liệu được tung ra, đội ngũ vận động để nước Anh đăng cai World Cup 2018 đã chỉ trích mạnh mẽ Panorama là “không yêu nước”, khi phát chương trình cáo buộc các quan chức FIFA chỉ ba ngày trước cuộc bỏ phiếu ngày 2-12.

“Chắc chắn chương trình này sẽ ảnh hưởng đến khả năng giành phiếu của Anh” - ông Andy Anson, lãnh đạo nhóm vận động England 2018, than thở. Đội ngũ England 2018 mô tả chương trình của Panorama là “nỗi xấu hổ” đối với Hãng BBC.

Theo ông Anson, Panorama hoàn toàn có thể phát chương trình này bất cứ lúc nào trong hai năm qua, nhưng họ đã chọn thời điểm trước cuộc bỏ phiếu 2-12 có ba ngày vì mục đích “giật gân”.

Phản ứng lại, BBC khẳng định chương trình của Panorama phục vụ công chúng và cho thấy một số quan chức FIFA đã nhận hối lộ và FIFA không có hành động gì để ngăn chặn nạn tham nhũng.

Theo Hiếu Trung
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG