Bây giờ và mãi mãi

Bây giờ và mãi mãi
Bây giờ và mãi mãi, Brazil vẫn là số 1. Nhận định đó cũng sẽ thuyết phục những ai là môn thể thao vua khi chứng kiến họ thi đấu thời gian qua và gần đay nhất là Confederations Cup 2005.

Ngay những người... ghét họ cũng phài thừa nhận điều đó. Nếu xét trên cơ sở kỹ thuật và cảm hứng bùng nổ của đội quân vàng xanh, những vũ công Samba được xem là có sự linh cảm “trời cho” đầy kỳ lạ về cách xử lý bóng cũng như tư duy chiến thuật. Thật vậy, bây giờ và mãi mãi... Brazil vẫn là Brazil.

3 năm đã trôi qua kể từ ngày Brazil lần thứ 5 đăng quang trên đỉnh thế giới, cũng là trước người Đức. Chính xác là vào ngày 30-6- 2002, tại Yokohama, các chàng trai Nam Mỹ đã tạo nên 1 cơn bão màu vàng-xanh quá ấn tượng, bao phủ và làm tê liệt hoàn toàn sức chiến đấu của cỗ xe tăng Đức lì lợm và giàu sức chiến đấu.

Đêm thứ Bảy vừa qua, mọi chuyện lại lặp lại, dù có một chút khác biệt về những người trong cuộc hay địa điểm của trận chiến, nhưng cuối cùng, Brazil lại vẫn là những người chiến thắng...

Quả là người ta đã có lý do để lo ngại cho đội bóng của HLV Carlos Alberto Parreira, khi trận bán kết Confederations Cup tại Nuremberg tới ngay sau 2 trận đấu kém ấn tượng của họ ở vòng bảng, trước Mexico và Nhật Bản.

Không Cafu, không Roberto Carlos, cả Ronaldo cũng không nốt, những nhà ĐKVĐ thế giới có vẻ đã không còn là chính mình trong những giây phút cần bùng nổ của các cá nhân kiệt xuất, một đặc điểm mà tất cả các đối thủ của họđều cảm thấy e sợ mỗi khi nhắc tới.

Trên thực tế, Brazil đã gặp khó khăn vì điều đó, khi những cầu thủ chạy cánh của Parreira không thực sự cơ động và giàu ý tưởng trong tấn công biên, hay Ronaldinho đã phải hy sinh quá nhiều để làm nhiệm vụ càn quét khi Emerson gặp vấn đề về thế lực.

Tuy nhiên, trong tổng thể lối chơi, gã khổng lồ của bóng đá Nam Mỹ vẫn khiến các CĐV của họ phải trầm trồ thán phục với những tính cách không lẫn vào đâu được: Bay bổng trong lãng mạn và giàu cảm xúc trong sự cống hiến tuyệt hảo của lối đá Latin.

Trên một chừng mực nào đó, việc thiếu vắng một loạt các ngôi sao chủ chốt lại khiến cho Brazil hay hơn, mới với những tân binh. Robinho là một ví dụ cụ thể, còn Adriano là một thực tế không phải bàn cãi. Trong bối cảnh việc giành vé thứ hai sau Argentina tại vòng loại 2006 khu vực Nam Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian, người ta đã nói về những ngôi sao mới của Parreira sẽ chơi thế nào, và sẽ tỏa sáng ra sao, ngay tại nước Đức trong ngày trở lại vào mùa hè năm sau. Nghĩ mà đã thấy... thích.

Brazil đã khẳng định được sự thống trị của mình, còn người Đức thì sao, sau trận thua “tâm phục, khẩu phục” ở Nuremberg? Dĩ nhiên là các CĐV của đội chủ nhà sẽ khó tránh khó cảm giác thất vọng, cái cảm giác khó chịu khi mãi chưa vượt qua một ngọn núi lớn, ngay cả khi có mọi điều kiện cần thiết nhất.

Tuy nhiên, những gì mà các cầu thủ trẻ của Jurgen Klinsmann đã thể hiện cũng không hề vô nghĩa chút nào. Xung quanh nhạc trưởng Ballack, một lối chơi đã được định hình. Và chẳng ai nghi ngờ rằng, người Đức sẽ mạnh hơn, “chín” hơn, và nguy hiểm hơn trong những cuộc chinh phục mới.

 Ngày có trận chung kết đã vắng bóng chủ nhà, nhưng hãy đợi đấy. Hẹn gặp lại vào mùa hè năm sau, đó mới là lúc để đánh giá một cách đúng mức nhất sức mạnh của nước chủ nhà VCK World Cup 2006.

MỚI - NÓNG